Tín dụng 'đen' vẫn nhộn nhịp

Nhu cầu về tiền mặt dịp cuối năm luôn tăng cao gấp nhiều lần những tháng bình thường trong năm. Bên cạnh việc cho vay tiêu dùng cá nhân của các ngân hàng, công ty tài chính, thì thị trường 'chợ đen' cũng khá sôi động.
Vay “nóng” luôn tiềm ẩn rủi ro cao cho người đi vay - Ảnh: Ngọc Thắng
Vay “nóng” luôn tiềm ẩn rủi ro cao cho người đi vay - Ảnh: Ngọc Thắng

Hiện nay, các ngân hàng (NH) hay công ty tài chính đang cố gắng mở rộng cửa cho vay tiêu dùng cá nhân, nhưng vẫn còn một lượng khách hàng khá lớn chưa thể đến với cánh cửa này. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là không đáp ứng được các quy định về tài sản thế chấp, chứng minh nguồn thu nhập hằng tháng… từ phía NH; đặc biệt là những người kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương ở các chợ, trong khi nhu cầu vay vốn cuối năm để buôn bán hay chi tiêu của nhóm này rất cao.

Cắn răng chấp nhận lãi cao

Chị Ngọc Hà, một người kinh doanh có thâm niên tại chợ Tân Bình (TP.HCM), cho biết thông thường cứ đến đầu tháng 11 âm lịch, chị cần thêm vốn để tích trữ hàng hóa và mua sắm thêm một số đồ dùng cho gia đình. “Hầu như năm nào cũng thế, tôi đều phải tìm đến những người cho vay quen thuộc ở xung quanh mình. Với mức vay 100 triệu đồng, tôi phải chấp nhận trả lãi 5 triệu đồng/tháng, tương đương 5%. Trong năm lãi chỉ 3 phân (3%) nhưng đến cuối năm thường cao hơn, có năm nếu nhiều người vay thì lãi lên đến 6 - 7 phân là bình thường. Biết là quá cao nhưng mình cần thì vẫn cắn răng chấp nhận. Vì từ xưa đến giờ không có tài sản thế chấp nên đi vay NH không được”, chị Hà tâm sự.

Tương tự, chị Hồng Ngân, một người buôn bán hộ gia đình tại Q.Bình Tân (TP.HCM), có người thân bị bệnh nặng đột xuất nên phải vay “nóng” 60 triệu đồng trong hai tuần, lãi phải trả tổng cộng 4 triệu đồng, tính ra hơn 13%/tháng. Chị Ngân giải thích, không thể đi vay NH hay ở đâu kịp khi cần phải có tiền gấp trong buổi chiều để thanh toán viện phí. “Có chỗ cho vay là mừng rồi, lãi cao hơn cũng phải chịu thôi”, chị Ngân nói vẻ cam chịu.

Làm sao giảm rủi ro ?

Vay “nóng” thường chỉ áp dụng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên có nhiều người sau khi vay xong thì bị mất khả năng trả nợ, dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con ngày càng nhiều. Mặt khác, hiện những người cho vay với số tiền hàng chục triệu trở lên cũng sẽ yêu cầu người vay thế chấp tài sản như xe máy, thậm chí nhà cửa, hàng hóa… Đặc biệt, việc cho vay này chỉ được thỏa thuận miệng hoặc giấy viết tay sơ sài. Nếu có hợp đồng cho vay thì thông thường các điều khoản cũng gây bất lợi cho người đi vay nhiều hơn khi có tranh chấp xảy ra.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng “đen” luôn tồn tại ở mọi quốc gia vì có cầu thì ắt có cung. Tuy nhiên, dạng tín dụng này ở VN phát triển mạnh hơn so với nhiều nước phát triển do một bộ phận người dân chưa có thói quen giao dịch với NH. “Vấn đề đặt ra là rủi ro quá cao. Những người đi vay thường là tiểu thương, công nhân lao động... nên ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi đi vay, hầu như không đọc kỹ và hiểu hết các điều khoản quy định trong giấy vay, cũng như không tính trước số tiền phải trả lãi khi các chủ cho vay khôn khéo chuyển từ cách tính phần trăm sang con số cụ thể như trả 50.000 đồng hay 100.000 đồng/ngày... Do đó, người vay rất dễ bị thiệt thòi, thậm chí bị mất xe, mất nhà chỉ sau một thời gian rất ngắn khi có tranh chấp xảy ra. Còn bên cho vay, do hợp đồng là giấy viết tay, không đảm bảo pháp lý và thu hồi nợ, nên cũng dễ gặp rủi ro lớn”, ông Hiếu phân tích và cho rằng, người dân cần được cảnh báo nhiều hơn về những hậu quả từ việc vay “nóng”. Bên cạnh đó, các NH nên xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay như về tài sản thế chấp, chứng minh thu nhập hằng tháng để nhiều người dễ tiếp cận nguồn vốn vay chính thống hơn.

Một chuyên gia tài chính khác cho rằng, dù lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao hơn NH thì cũng còn nhẹ hơn so với mức lãi cắt cổ của tín dụng “đen”. Vì vậy, người dân nên tìm hiểu kỹ và khi có nhu cầu vay thì có thể chọn các tổ chức này để ít rủi ro.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư