Tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025: Đảm bảo mục tiêu kép

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở mức 16% phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, phấn đấu tăng trưởng 2 con số của Chính phủ. Tuy nhiên, nỗ lực đẩy mạnh vốn tín dụng vào nền kinh tế đối diện với thách thức từ áp lực tỷ giá, rủi ro lạm phát tăng cao.
Với chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Ảnh: Ngọc Thắng
Với chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Ảnh: Ngọc Thắng

Do đó, một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc liều lượng và thời điểm cung ứng vốn theo diễn biến của thị trường ngoại hối, giá cả hàng hóa, động thái điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương để vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát và ổn định tỷ giá.

Tính tới ngày 31/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 15,08%, đạt quy mô 15,6 triệu tỷ đồng, tương ứng hơn 2,1 triệu tỷ đồng bơm ra nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng trong năm 2024. Với chỉ tiêu định hướng ở mức 16% năm 2025, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bơm ra nền kinh tế.

Để đảm bảo kiểm soát dòng vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu, tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động. Năm 2025, NHNN sẽ chủ động theo dõi sát sao tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng một cách linh hoạt, hiệu quả. Các chỉ tiêu tín dụng sẽ được điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế mà không cần các TCTD phải gửi văn bản đề nghị.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế được cung ứng từ nhiều kênh, song NHNN có trách nhiệm đảm bảo nguồn vốn tín dụng hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, tức là tăng trưởng tín dụng phải cao hơn năm trước, nên con số định hướng 16% là phủ hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là chỉ tiêu định hướng, không phải con số pháp lệnh và có thể điều chỉnh theo tình hình thực tế. Việc điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tăng trưởng tín dụng nói riêng có mục tiêu cao nhất là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế song song với kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá”.

Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước
Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), năm 2024, tín dụng tăng trưởng khá, nhưng có hiện tượng tập trung tín dụng tại thời điểm nhất định và phân bổ không đều giữa các lĩnh vực. Cụ thể, tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng mạnh vào cuối tháng 6, giảm trở lại trong tháng 7, phục hồi nhanh hơn từ tháng 8 và tăng mạnh vào 2 tháng cuối năm. Đến ngày 16/12/2024, tổng tín dụng tăng 12,8% so với cuối năm 2023. Chỉ trong 15 ngày cuối năm, tăng trưởng tín dụng vụt lên 15,08%.

Về các lĩnh vực cho vay, số liệu mới nhất của UBGSTCQG dựa trên thống kê của 86/123 TCTD kỳ báo cáo tháng 11/2024 cho biết, dư nợ cho vay 11 tháng tăng chủ yếu ở một số ngành kinh tế như: bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 26,7% tổng dư nợ tăng thêm); hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 25,7%); công nghiệp chế biến, chế tạo (15,3%); hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (16,5%). Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng chung (14,3%) trong khi tín dụng đối với một số ngành như nông, lâm, thủy sản và xây dựng tăng chậm (khoảng 6%). Quy mô tín dụng/GDP tiếp tục tăng, từ mức 89,7% năm 2015 lên gần 130% năm 2023 và lên 135,2% vào tháng 9/2024 cho thấy vai trò chủ lực của kênh tín dụng ngân hàng trong nền kinh tế.

UBGSTCQG dự báo, năm 2025, tín dụng tăng trưởng tích cực hơn khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi và tiếp tục nhận được nhiều chính sách hỗ trợ để đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, UBGSTCQG kiến nghị cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tình hình nợ xấu tại các TCTD và các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, quan sát tương quan tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng tín dụng những năm gần đây cho thấy, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8 - 10% thì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% là phù hợp. Tuy nhiên, để giải ngân được 2,5 triệu tỷ đồng trong năm 2025, cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng trong những ngày đầu năm là yếu tố cần hết sức chú ý.

Về biến động tỷ giá, sau khi tăng giá 5,03% so với VND trong năm 2024, trong 10 ngày đầu năm 2025, giá USD tiếp tục tăng 7 đồng so với VND, lên mức 25.558 đồng. Chỉ số DXY - thước đo sức mạnh đồng USD - đã lên mức 109,19 điểm, tăng gần 1 điểm so với ngày đầu năm. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu VND mất giá 10% sẽ làm lạm phát tăng thêm 1,7 điểm % trong vòng 12 tháng tiếp theo.

“Hiện nay, tỷ lệ vốn tín dụng/GDP ở mức cao, rủi ro lạm phát và tỷ giá tăng cao vẫn còn, cần hết sức cân nhắc liều lượng vốn tín dụng đổ vào nền kinh tế. Bên cạnh việc nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng, cần chú trọng hỗ trợ tăng trưởng GDP bằng các giải pháp tài khóa mở rộng. Tức là, khi không còn nhiều dư địa mở rộng, chính sách tiền tệ nên ưu tiên cho việc ổn định vĩ mô hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Huân nhấn mạnh.

Về thị trường ngoại hối, UBGSTCQG kiến nghị, trong ngắn hạn, do sức ép tỷ giá vẫn có thể kéo dài, cần theo dõi sát tình hình kinh tế, địa chính trị trên thế giới, chủ động dự báo diễn biến cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực xuất nhập khẩu. Có chính sách ưu đãi về phí, lệ phí như giảm/miễn phí chuyển tiền, khuyến khích tăng cường thu hút kiều hối qua hệ thống TCTD. Phối hợp với các bộ, ngành tăng cường thanh tra, giám sát, quản lý chặt chẽ thị trường USD tự do, các quầy thu mua ngoại tệ ngoài hệ thống TCTD.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư