Tăng tốc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) ghi nhận một số kết quả tích cực về năng lực quản trị và sức khỏe tài chính của nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, nợ xấu ở mức cao, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp một số trở ngại, tỷ lệ an toàn vốn thấp và rủi ro sở hữu chéo chưa được xử lý dứt điểm là những điểm cần được cải thiện trong thời gian tới để đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Đến cuối năm 2024, nhiều ngân hàng đã đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị theo Basel III. Ảnh: Nhã Chi
Đến cuối năm 2024, nhiều ngân hàng đã đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị theo Basel III. Ảnh: Nhã Chi

Những tín hiệu tích cực

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, quá trình tái cơ cấu các TCTD được thúc đẩy tích cực trong những năm gần đây, qua đó nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của các ngân hàng. Nợ xấu tăng song vẫn trong tầm kiểm soát, hệ thống các TCTD hoạt động an toàn, chất lượng tài sản có được đảm bảo.

Đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức 4,55%. Trường hợp không bao gồm 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ ở mức 6,33% (trường hợp không bao gồm 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ này là 3,22%). Đến cuối năm 2024, nhiều ngân hàng đã đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị theo Basel III.

Phương án chuyển giao bắt buộc Ngân hàng GPBank và DongABank đã trình Chính phủ, nếu được thông qua thì 2 ngân hàng này có thể được chuyển giao trước Tết Nguyên đán 2025. Phương án tái cơ cấu Ngân hàng SCB đang được xây dựng và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

Về 5 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, sau khi chuyển giao 2 “ngân hàng 0 đồng” OceanBank và CBBank lần lượt cho MBBank và Vietcombank trong tháng 11/2024, phương án chuyển giao bắt buộc Ngân hàng GPBank và DongABank đã trình Chính phủ, nếu được thông qua thì 2 ngân hàng này có thể được chuyển giao trước Tết Nguyên đán 2025.

Đối với Ngân hàng SCB, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN và Ban kiểm soát đặc biệt của ngân hàng này tiếp tục nỗ lực duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo tiền gửi tiết kiệm của người dân được trả đúng hạn, xử lý dần các tồn tại, yếu kém theo quy định pháp luật. Đồng thời, phương án tái cơ cấu ngân hàng này cũng đang được xây dựng và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tiến độ tái cơ cấu các ngân hàng đã đạt được một số kết quả tích cực. “Một trong những lo ngại với tính an toàn của các TCTD là nợ xấu ở mức cao. Tuy nhiên, nếu không tính nợ xấu của 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng chỉ ở mức 1,9%, trong tầm kiểm soát. Do đó, để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, giảm mạnh nợ xấu thì việc cần làm là đẩy nhanh quá trình chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng và nhanh chóng có phương án tái cơ cấu Ngân hàng SCB”, ông Lực chia sẻ.

Vẫn quan ngại với nợ xấu và sở hữu chéo

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đánh giá, hầu hết các ngân hàng thương mại (không bao gồm các ngân hàng yếu kém) áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các TCTD vẫn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, việc xử lý các TCTD yếu kém vẫn gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ đối với các TCTD tham gia xử lý nhận chuyển giao bắt buộc các TCTD yếu kém, việc xử lý tài sản, thu hồi nợ của các TCTD yếu kém đòi hỏi nhiều nguồn lực, tốn nhiều thời gian và cần sự hỗ trợ của cấp có thẩm quyền.

Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn liên quan đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó có các quy định để kiểm soát, ngăn ngừa quan hệ sở hữu chéo, góp vốn đầu tư, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động của các TCTD, nhưng chưa thể bao quát được hết các tình huống phát sinh trong thực tế, hiện tiếp tục rà soát, nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các TCTD. Nợ xấu hiện tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, song chưa thể xử lý nhanh do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD còn hạn chế. Nợ tiềm ẩn ở một số TCTD trở thành nợ xấu ở mức cao. Một số TCTD cấp tín dụng tập trung với tỷ trọng lớn đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh bất động sản, tập trung tín dụng vào các khách hàng lớn và người có liên quan (đặc biệt là các khách hàng có liên quan đến chủ sở hữu của ngân hàng), các dự án bất động sản cao cấp, có tính đầu cơ...; hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của một số TCTD còn tồn tại rủi ro.

Việc cần làm hiện nay là đẩy nhanh quá trình chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng và nhanh chóng có phương án tái cơ cấu Ngân hàng SCB. Ảnh: Phú An
Việc cần làm hiện nay là đẩy nhanh quá trình chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng và nhanh chóng có phương án tái cơ cấu Ngân hàng SCB. Ảnh: Phú An

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một trong những điểm đáng quan ngại với hệ thống ngân hàng là nợ xấu tiềm ẩn trong khi bộ đệm dự phòng của hệ thống ngân hàng còn mỏng. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu tiếp tục giảm. Tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu trong cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân bình quân toàn hệ thống TCTD là 81,4%, giảm so với cuối năm 2023 (83,4%) và cuối năm 2022 (114,2%).

Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào cuối năm 2024 phần nào gây áp lực lên nợ xấu năm 2025 khi các khách hàng chưa hoàn toàn phục hồi. Các khoản nợ có tài sản đảm bảo là các dự án năng lượng tái tạo hoặc bất động sản nếu không có các biện pháp tháo gỡ sẽ tiềm ẩn nguy cơ không thể thu hồi vốn.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của 35 ngân hàng thương mại theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN tính đến thời điểm 30/11/2024 là 11,5%, thấp hơn bình quân 2 năm gần đây (cuối năm 2022 là 11,7%, năm 2023 là 11,8%) và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Malaysia: 18,0%; Indonesia: 26,8%; Philippines: 16,6%; Thái Lan: 20,6%; Lào: 18,5%; Campuchia: 22,5%.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị, để đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tình hình nợ xấu tại các TCTD và các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; đẩy nhanh lộ trình áp dụng đánh giá rủi ro theo Basel II, III theo phương pháp nâng cao; giám sát khả năng thanh toán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2025, đồng thời tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các tổ chức phát hành, phòng ngừa rủi ro liên thông với nợ xấu khu vực ngân hàng.

Cùng với việc đẩy nhanh tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc rất quan trọng là giám sát chặt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Tình trạng này đã phần nào được cải thiện khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định: một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ, yêu cầu công khai thông tin của cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng.

“Luật Các tổ chức tín dụng đặt yêu cầu cao về tính minh bạch, song không dễ kiểm tra nguồn gốc vốn góp. Các cổ đông có thể lách quy định về tỷ lệ sở hữu bằng cách nhờ người khác đứng tên hộ. Tuy nhiên, nếu có sự liên thông về cơ sở dữ liệu và kiểm tra, kiểm soát thường xuyên thì hành vi lách luật vẫn có thể bị phát hiện. Bên cạnh đó, để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật tốt hơn, cần đưa ra chế tài thật nặng tại nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng với các cá nhân và tổ chức vi phạm”, ông Hiếu nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư