![]() |
Ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những nội dung mới tại Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Ảnh: Lê Tiên |
Bộ Tài chính cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng NSNN một cách hiệu quả, minh bạch, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Chủ trì hội nghị toàn quốc lấy ý kiến về sửa đổi toàn diện Luật NSNN cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc quản lý, sử dụng tài chính - NSNN của quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; luật hóa những vấn đề đã rõ, phù hợp với thực tiễn; quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, linh hoạt, nâng cao tự chủ của các địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”; kế thừa và phát huy những thành tựu của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Về những vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật, theo ông Vũ Đức Hội, Vụ trưởng Vụ NSNN thuộc Bộ Tài chính là đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời tạo điều kiện cho ngân sách địa phương có tính tự chủ, chủ động hơn trong việc huy động, sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Về phân cấp, phân quyền trong công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách, Dự thảo Luật tăng thẩm quyền cho Chính phủ trong việc quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng không làm tăng mức vay, bội chi NSNN; tăng thẩm quyền cho UBND các cấp ở địa phương quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương, sau đó mới báo cáo lại cấp có thẩm quyền.
![]() |
Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) tăng thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật rà soát, sửa đổi các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc sử dụng NSNN, ưu tiên bố trí nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Việc xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành NSNN được sửa đổi theo hướng bỏ quy định thứ tự ưu tiên khi phân bổ số tăng thu và các khoản dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, đồng thời mở rộng phạm vi được sử dụng nguồn lực này (bổ sung tăng dự phòng ngân sách và các nhiệm vụ cần thiết khác chưa được bố trí dự toán ngân sách năm sau).... nhằm nâng cao hiệu quả, tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh.
Về kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm (quy định tại Điều 43 Luật NSNN 2015), Ban soạn thảo đề nghị bỏ. Trên cơ sở đó, bỏ các quy định về nội dung này tại các điều, khoản khác có liên quan. Lý do, cơ sở đề xuất bỏ nội dung là thực tiễn triển khai, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm của các bộ, địa phương chưa đi vào thực chất. Nội dung 2 năm tiếp theo của kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm sơ sài, không phản ánh được các mục tiêu, định hướng chiến lược của ngành, lĩnh vực cần đạt được. Ngoài ra, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, kế hoạch đầu tư công trung hạn đều được xây dựng trong mỗi giai đoạn là 5 năm; chưa có kế hoạch lập 3 năm cuốn chiếu tương ứng.
Đại diện Sở Tài chính nhiều địa phương bày tỏ thống nhất cao với việc sửa đổi toàn diện Luật NSNN. Theo bà Lê Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM đánh giá cao các nội dung được sửa đổi tại Dự thảo Luật, đặc biệt là việc bỏ quy định lập kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm, đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, tăng sự chủ động cho các địa phương; phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong sử dụng ngân sách; tăng thẩm quyền cho UBND các cấp về điều chỉnh dự toán chi…
Tuy nhiên, bà Mai đề nghị làm rõ một số khái niệm để dễ dàng, minh bạch trong triển khai. Chẳng hạn, Dự thảo Luật quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh quyết định chi ngân sách nhà nước với các khoản chi đặc thù địa phương ngoài chế độ chi do Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành. Theo bà Mai, cần làm rõ khái niệm “đặc thù” và hướng dẫn cụ thể tại các nghị định của Chính phủ.
Cùng quan điểm, đại diện Sở Tài chính TP. Quảng Ngãi cho rằng, Dự thảo sửa đổi gần như toàn diện Luật NSNN hiện hành, trong đó, phân cấp mạnh cho cấp địa phương, tạo sự linh hoạt và chủ động trong điều hành ngân sách, đồng thời, phù hợp với việc sửa đổi về tổ chức chính quyền địa phương thành hai cấp. Mặt khác, việc bỏ quy định về kế hoạch tài chính 3 năm là bước tiến tích cực bởi thực tiễn cho thấy, việc xây dựng và tổng kết thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm gây khó khăn cho công tác điều hành NSNN.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu