Gói thầu chiếu sáng tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk): Loạt tiêu chí bị tố hạn chế cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay sau khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), Gói thầu Xây lắp và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Hệ thống chiếu sáng thông minh một số khu vực trung tâm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận hàng loạt kiến nghị, phản ánh về một số tiêu chí có dấu hiệu gây hạn chế cạnh tranh.
Gói thầu XL và LĐTB thuộc Dự án Hệ thống chiếu sáng thông minh một số khu vực trung tâm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ghi nhận hàng loạt kiến nghị, phản ánh... Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu XL và LĐTB thuộc Dự án Hệ thống chiếu sáng thông minh một số khu vực trung tâm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ghi nhận hàng loạt kiến nghị, phản ánh... Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu nêu trên có giá 42,333 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 31/12/2024 - 19/1/2025. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Buôn Ma Thuột, giao Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây lắp điện TP. Buôn Ma Thuột làm bên mời thầu.

Theo yêu cầu của HSMT, đối với đèn led, nhà thầu phải cung cấp các chứng nhận của nhà sản xuất do Quatest 1/Quatest 2/Quatest 3 (các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng - tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận (không phải của các tổ chức dịch vụ ngoài nhà nước). Đồng thời, các thông số kỹ thuật của đèn đều yêu cầu kết quả thí nghiệm Quatest.

Trong văn bản kiến nghị điều chỉnh HSMT, các nhà thầu cho rằng, đây là yêu cầu không phù hợp, liên quan đến thẩm quyền cấp chứng nhận. Hiện nay, một số hãng lớn trên thế giới như Philips/Schreder… sử dụng kết quả thí nghiệm của các tổ chức kiểm nghiệm quốc tế như Derka, hoặc các hãng trong nước sử dụng kết quả thí nghiệm của các tổ chức được cấp phép bởi cơ quan chức năng (như Trung tâm thử nghiệm kiểm định Phúc Gia…). Chứng nhận được cấp bởi các đơn vị tư nhân này là hoàn toàn hợp lệ và đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng.

Về tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật của bộ đèn, HSMT yêu cầu đơn vị cung cấp sản phẩm có các chứng nhận hệ thống quản lý: ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 50001:2018 (kèm theo chứng nhận, quyết định) để phân biệt hàng kém chất lượng. Theo nhà thầu, chứng nhận ISO 140001:2015 là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường, chứa đựng một bộ quy tắc được xây dựng bởi tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế nhằm giúp doanh nghiệp có thể giảm thiểu lượng chất thải công nghiệp và thiệt hại môi trường; chứng nhận ISO 50001:2018 là tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng để xây dựng hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả dựa trên việc thực hiện mô hình quản lý cải tiến liên tục và những yêu cầu, hướng dẫn trong điều khoản được ghi nhận tại bộ tiêu chuẩn này. Việc HSMT yêu cầu đơn vị cung cấp sản phẩm phải có chứng nhận hệ thống quản lý ISO 140001:2015, ISO 50001:2018 để phân biệt hàng kém chất lượng là không có căn cứ, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc tìm kiếm các vật tư đáp ứng yêu cầu.

“Ngoài ra, qua tìm hiểu trên thị trường, chúng tôi nhận thấy, đối với các thông số kỹ thuật và yêu cầu về chứng chỉ nêu trong HSMT, chỉ có đèn led của thương hiệu Super Thái Dương Group đáp ứng, gây hạn chế nhà thầu nếu muốn đề xuất sản phẩm của các thương hiệu khác có uy tín, chất lượng”, một nhà thầu nhận định.

Tại phần thuyết minh kỹ thuật, HSMT nêu rõ phần mềm điều khiển thông minh có tên gọi “phần mềm điều khiển Smartware Client”. Theo tìm hiểu của nhà thầu, đây là phần mềm chiếu sáng thông minh của hãng Vilight, việc HSMT chỉ định hàng hóa gây hạn chế cạnh tranh, không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu.

Đến chiều ngày 10/1/2025, các nội dung kiến nghị của nhà thầu vẫn chưa được Chủ đầu tư, Bên mời thầu phúc đáp, làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số đơn vị sản xuất, cung cấp thiết bị chiếu sáng cho biết, bên cạnh Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1 - tại Hà Nội), Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest 2 - tại Đà Nẵng), Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3 - tại TP.HCM), hiện còn có rất nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đo lường sản phẩm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, thiết bị, nhân sự...) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Điều đó đồng nghĩa, các chứng nhận được cấp bởi các tổ chức tư nhân này được pháp luật thừa nhận tính hợp pháp. Do đó, việc chỉ định đơn vị cấp chứng nhận đo lường tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm như HSMT có thể giới hạn sự tham gia của nhà thầu.

Liên quan đến các thông số kỹ thuật của HSMT, Báo Đấu thầu đã có nhiều bài viết phản ánh thực trạng HSMT đưa ra thông số đặc thù, độc quyền của một hãng sản xuất, gây khó khăn rất lớn cho các nhà thầu muốn tham gia cạnh tranh. Theo quy định tại Phụ lục 10 Thông tư số 24/2024/TT-BKHĐT, việc HSMT yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, hoặc đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu, là hành vi hạn chế nhà thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư