Dự án BOT đường ven biển 3.372 tỷ đồng ở Thanh Hóa: Dừng hợp đồng vì nhà đầu tư trúng xong để đấy

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị chấm dứt hợp đồng (BOT) trước thời hạn Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàng Thành mới thi công được 0,06% khối lượng hợp đồng sau gần 2 năm và không huy động đủ vốn như cam kết.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia có sơ bộ tổng mức đầu tư 3.372 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia có sơ bộ tổng mức đầu tư 3.372 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án có quy mô đầu tư xây dựng mới 2 đoạn tuyến với tổng chiều dài 29,9 km, trong đó đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn dài 12 km, đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia dài 17,9 km, tổng vốn đầu tư 3.372,661 tỷ đồng, loại hợp đồng BOT. Thời gian thi công theo kế hoạch từ năm 2021 và hoàn thành toàn bộ trước ngày 31/12/2024, thời gian thu phí và vận hành khai thác dự kiến là 21 năm 10 tháng 9 ngày (bắt đầu từ năm 2025 đến năm 2046).

UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Dự án có cơ cấu vốn góp của Nhà nước là 2.358,661 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 1.400 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Thanh Hóa là 958,661 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư là 1.014 tỷ đồng (bao gồm vốn chủ sở hữu 202,474 tỷ đồng, vốn vay 809,899 tỷ đồng). Ngày 17/1/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông (đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa ủy quyền) đã ký hợp đồng thực hiện Dự án với Liên danh Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàng Thành (hợp đồng có hiệu lực từ ngày 16/2/2023), doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT ven biển Thanh Hóa.

Đến ngày 16/1/2024, Nhà đầu tư mới ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Tiên Phong với khoản vay 570 tỷ đồng, thấp hơn 239,899 tỷ đồng so với phương án tài chính trong hợp đồng. Việc thi công Dự án dừng từ ngày 12/1/2024 và đến nay, Nhà đầu tư mới đắp đất nền đường được khoảng 0,6 km, giá trị thực hiện đạt khoảng 1,1 tỷ đồng (đáp ứng 0,06% tiến độ hợp đồng), không đáp ứng yêu cầu và các chỉ đạo của UBND Thanh Hóa, mặc dù công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án đã hoàn thành 27,75/29,9 km (đạt 92,8%) và đã bàn giao cho Nhà đầu tư.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, trong quá trình triển khai Dự án, Nhà đầu tư liên tục chậm triển khai thực hiện. Đến nay, Nhà đầu tư mới phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở được 4,69 km/29,9 km, còn lại 25,21 km chưa phê duyệt (chậm 13 tháng so với quy định tại hợp đồng là tháng 7/2023 phải thực hiện xong công tác thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, tháng 8/2023 phải lựa chọn xong nhà thầu xây lắp và triển khai thi công toàn bộ tuyến đường từ ngày 1/5/2023). Do đó, kết thúc thời gian xây dựng Dự án - ngày 31/12/2024, Dự án không thể hoàn thành.

Bên cạnh đó, trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng, Nhà đầu tư không huy động vốn đảm bảo tiến độ theo nội dung hợp đồng (khoản vay 570 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Tiên Phong thấp hơn so với phương án tài chính và không huy động được do việc đảm bảo khoản nợ được thanh toán đúng kỳ hạn là chưa có cơ sở), không đáp ứng khả năng huy động vốn vay và trách nhiệm này thuộc về Nhà đầu tư.

UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đến nay đã quá 18 tháng nhưng Nhà đầu tư chưa hoàn thành thu xếp tài chính, nếu tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo hợp đồng BOT sẽ trái với Điều 76 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Do không đủ điều kiện triển khai và không đảm bảo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị cùng các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ) chấm dứt hợp đồng Dự án trước thời hạn để phù hợp với tình hình thực tế.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, việc tiếp tục triển khai Dự án theo phương thức PPP là không khả thi, việc lựa chọn nhà đầu tư thay thế để chỉ định thầu là không phù hợp do hợp đồng tín dụng của nhà đầu tư với tổ chức tín dụng chưa đảm bảo theo yêu cầu hợp đồng. Dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài (khoảng 23 năm từ khi ký hợp đồng tín dụng đến hết thời gian thu phí), tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng trong bối cảnh có nhiều tuyến đường song hành với Dự án khiến doanh thu của Dự án có nguy cơ không đủ trả nợ. Nhà đầu tư mới cũng sẽ rất khó khăn trong huy động nguồn vốn vay từ ngân hàng nên sẽ khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tham gia Dự án.

Sau khi đề nghị chấm dứt hợp đồng BOT, UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, trong đó bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương 1.103,468 tỷ đồng (đây là số tiền Tỉnh đã trả lại ngân sách trung ương); số tiền còn lại khoảng 2.196,532 tỷ đồng, Thanh Hóa sẽ dùng vốn ngân sách tỉnh để tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến đường trong giai đoạn 2025 - 2026.

Phóng viên Báo Đấu thầu đã nhiều lần liên hệ với Liên danh nhà đầu tư Dự án nhưng chưa thể kết nối.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia đầu tư cho biết, việc huy động thành công nguồn vốn vay ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào “sức khỏe” nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai xây dựng dự án BOT. Về bản chất, ngân hàng cho vay vốn bao giờ cũng tính toán cẩn thận phương án hoàn vốn và khả năng bảo đảm nguồn vốn vay được trả nợ đúng hạn. Do đó, kể cả trong trường hợp đã ký hợp đồng tín dụng với khoản vay huy động đáp ứng yêu cầu triển khai dự án BOT, nhưng nếu tình hình tài chính của nhà đầu tư xuất hiện yếu tố bất lợi thì ngân hàng sẽ không tiến hành giải ngân khoản vay đã ký trong hạn mức của hợp đồng tín dụng.

Trong Liên danh nhà đầu tư, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung có địa chỉ tại TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàng Thành có địa chỉ tại quận Long Biên, Hà Nội. Hiện nay, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đang tham gia thực hiện Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (hợp đồng BT, tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng); tham gia thi công hàng loạt công trình lớn trên cả nước như: Gói thầu XL02 Thi công xây dựng đoạn Km24+000 ÷ Km48+052 thuộc Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giá trúng thầu 4.103,7 tỷ đồng); Gói thầu XL01 Thi công xây dựng công trình từ Km7+00 - Km48+250 và các cầu Tân Long, Kênh nhà Lê, Hoàng Mai, Lạch Quèn, Cửa Thơi thuộc Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 - Km76 (giá trúng thầu 1.829,5 tỷ đồng)…

Chuyên đề