Nhìn từ “đại án”, chuyện “chung chi” cho ngân hàng...…

(BĐT) - “Đại án” gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Agribank cho thấy, doanh nghiệp đã phải “chung chi” không ít cho cán bộ ngân hàng.

Như Báo Đấu thầu đã đưa tin về vụ án xảy ra tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, nhóm 4 doanh nghiệp trong đó trọng tâm là Liên doanh Lifepro đã được chi nhánh này cho vay hàng nghìn tỷ đồng. Tổng số dư nợ của 4 doanh nghiệp này đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 3.400 tỷ đồng.

Phải giải ngân bằng được

Do cho vay vốn sai quy định, không thẩm định, không kiểm tra giám sát dẫn đến bị các đối tượng nước ngoài lừa đảo, thiệt hại tính đến khi xét xử vụ án là gần 2.500 tỷ đồng.

Lời khai của các bị cáo từng là cán bộ ngân hàng cho thấy việc cho vay được thực hiện theo kiểu chỉ đạo “phải cho vay bằng được”. Cuối năm 2010, Công ty CP Enzo Việt đã hết hạn mức tín dụng nhưng vẫn xin vay vốn ngân hàng. Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội đã tìm mọi cách lách luật cho công ty này được vay thêm tiền.

Lương đã chỉ đạo Chữ Thị Kim Hiền (Phó Giám đốc Chi nhánh) giới thiệu Lê Minh Hiếu (đại diện pháp nhân của Công ty CP Lifepro VN và Công ty Vietmade) gặp gỡ, bàn bạc, thống nhất với lãnh đạo Công ty CP Enzo Việt ký hợp đồng để dùng hợp đồng này tiếp tục vay vốn ngân hàng. 

Theo thỏa thuận của hợp đồng, 2 công ty của Hiếu sẽ nhập khẩu nguyên vật liệu may mặc cho Công ty Enzo Việt và dựa trên hợp đồng này, Hiếu đã vay 470 tỷ đồng của ngân hàng, tài sản bảo đảm là hàng hóa nhập về. Nhưng thực tế, không có việc nhập hàng, tiền vay được đã chuyển ra nước ngoài và bị chiếm đoạt. Sau khi giải ngân, Hiếu được hưởng 3,8% trên tổng số tiền vay (tương đương 19,5 tỷ đồng).

Đỗ Tiến Long (40 tuổi, cán bộ Phòng Tín dụng Agribank Nam Hà Nội) thừa nhận việc Agribank Nam Hà Nội cho Công ty CP Enzo Việt vay là lách hạn mức vì công ty này đã hết hạn mức được vay tiền.

Biết là hết hạn mức, là lách luật, vậy vì sao các cán bộ này vẫn nhắm mắt trình hồ sơ? Đỗ Tiến Long thừa nhận là do cả nể, do chỉ đạo của Giám đốc nên phải tuân thủ.

Bị cáo Trương Thị Út (48 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Tín dụng Agribank Nam Hà Nội) khai: Giám đốc Phạm Thị Bích Lương chỉ đạo bị cáo giải ngân cho Công ty CP Enzo Việt vay 50 triệu USD để mua thương hiệu. Lương chỉ đạo qua điện thoại vì đi công tác.

Khi kiểm tra hồ sơ, thấy thiếu báo cáo thẩm định và nhiều hồ sơ khác, Trương Thị Út không đồng ý giải ngân và đã báo cáo nhưng Phạm Thị Bích Lương vẫn chỉ đạo giải ngân. Giám đốc Lương nhắn rõ vào điện thoại Trương Thị Út: “Cứ cho nhận nợ, em (Phạm Thị Bích Lương) chịu trách nhiệm hoàn toàn”. Theo nghị quyết của Agribank, giám đốc đã chỉ đạo thì nhân viên phải thực hiện.

Chính vì vậy, Trương Thị Út đã cho giải ngân hàng chục triệu USD dù hồ sơ, thủ tục không đầy đủ.

Nhìn từ “đại án”, chuyện “chung chi” cho ngân hàng...… ảnh 1

Bị cáo Lê Minh Hiếu trong phiên xử vụ án xảy ra tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội. Ảnh: NC st

Tự nguyện cảm ơn?

Các lãnh đạo, cán bộ Chi nhánh Nam Hà Nội đã giải ngân bằng được để cho Liên doanh Lifepro, CTCP Enzo Việt, CTCP Lifepro, CTCP Vietmade vay hàng trăm triệu USD bất chấp việc thẩm định không có căn cứ, hồ sơ thiếu nhiều giấy tờ. Vì sao?

Dễ thấy nguyên nhân là vì “cảm ơn” của doanh nghiệp. Từ khoản 19,5 tỷ đồng hoa hồng được hưởng, Lê Minh Hiếu đã tự nguyện trích ra 3 tỷ đồng để “cảm ơn các anh chị ở Chi nhánh”.

Được sự đồng ý của Giám đốc Chi nhánh, Chử Thị Kim Hiền đã cầm 3 tỷ đồng và đưa 1 tỷ đồng cho Phạm Thị Bích Lương, bản thân Hiền được 800 triệu đồng, 420 triệu đồng đưa cho một số cán bộ cấp dưới và gần 200 triệu đồng được sử dụng cho một số việc chung ở Chi nhánh. 

Đỗ Tiến Long đã “nghe chỉ đạo” từ Giám đốc, làm trái quy trình nghiệp vụ và đã được nhận 600 triệu đồng. Số tiền này gia đình bị cáo đã nạp khắc! Còn Trương Thị Út được Giám đốc Phạm Thị Bích Lương đưa cho 5.000 USD.

Cáo buộc của cơ quan công tố còn cho thấy Phạm Thị Bích Lương đã nhận 898.000 USD từ hai đối tượng nước ngoài (cổ đông của Liên doanh Lifepro) để “chi phí”. Trong đó, bị cáo Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank đã nhận 310.000 USD. Bị cáo Hoàng Anh Tuấn, nguyên Ủy viên HĐQT Agribank nhận 100.000 USD. Bị cáo Đỗ Quang Vinh, nguyên Trưởng ban Ban tín dụng Agribank nhận 50.000 USD và nhiều cán bộ khác đã nhận tiền.

Tiền này là tiền gì? Bị cáo Phạm Thị Bích Lương, bị cáo Chử Thị Kim Hiền khẳng định đây là tiền doanh nghiệp cảm ơn một cách tự nguyện và xong việc mới cảm ơn chứ không phải là thỏa thuận hay đòi hỏi trong quá trình cho doanh nghiệp vay vốn.

Ở vai trò doanh nghiệp, Lê Minh Hiếu cũng khẳng định tự nguyện cám ơn các anh chị ở chi nhánh. Lúc đó doanh nghiệp của Hiếu đang khó khăn, có được mối làm ăn với CTCP Enzo Việt, được 19,5 tỷ đồng là quá tốt nên tự nguyện cám ơn.

Quả thực, hồ sơ vụ án cho thấy doanh nghiệp của Lê Minh Hiếu đang khó khăn, thua lỗ, nợ thuế, thậm chí đã bị phạt hành chính vì nợ thuế quá hạn. Thế nhưng “các anh chị ở chi nhánh” vẫn xếp doanh nghiệp của Hiếu vào hạng A và cho vay 80 tỷ đồng tín chấp, không cần tài sản bảo đảm. 

Có đi, có lại...…

Còn nhớ, đại án nghìn tỷ xảy ra tại VDB Đắc Nông, Đắc Lắc cũng có chuyện tương tự. Cựu Giám đốc Chi nhánh này đã giải thích về nguồn gốc siêu xe BMW X6 (nhận năm 2009) rằng giám đốc doanh nghiệp thấy tôi không có xe đi thì cho mượn và bảo: “Em có nhiều xe, anh cứ lấy mà đi”.

Nhưng lời khai của bị cáo Cao Bạch Mai, người đã cho “mượn” siêu xe, và hồ sơ tài liệu khác của vụ án cho thấy, chính vị Giám đốc Chi nhánh đã thỏa thuận: tặng xe, giữ nguyên hạn mức.

Khi đó, công ty của bị cáo Cao Bạch Mai có vay nợ ngân hàng và cần giữ nguyên hạn mức để được vay tiếp, hòng đảo nợ. Nếu hạn mức tín dụng giảm xuống, khoản vay mới không đủ để đảo nợ, công ty không có nguồn tài chính để trả nợ và do đó nợ quá hạn sẽ lộ ra và không thể vay vốn ngân hàng. Cao Bạch Mai đã phải đến “xin” giữ nguyên hạn mức.

Không chỉ thế, lời khai của các bị cáo là giám đốc doanh nghiệp còn cho thấy, với mỗi khoản vay, họ phải chung chi hoa hồng cho Giám đốc Chi nhánh, 3% cho khoản vay mới, 5% cho khoản vay đảo nợ. Số tiền hoa hồng này lên tới hơn 100 tỷ đồng. Nhưng do không có chứng cứ chứng minh nên cơ quan tố tụng không xem xét.

Ngân hàng là “khu vực” nhạy cảm bởi khả năng ảnh hưởng hệ thống. Vì nhạy cảm nên nhìn chung các quy định chung của pháp luật, các quy định riêng của ngành đều chặt chẽ. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định về quy trình cho vay, về tài sản bảo đảm, về tín dụng… Nhưng khi nhà dột từ nóc, khi lãnh đạo cấp trên chỉ đạo nhân viên làm bừa thì xem ra không có quy trình, quy chế nào ngăn chặn nổi.  

Trước Tòa, Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank khai, 3 tháng sau khi nhận chức Tổng giám đốc Agribank, tôi đã cho tổng kiểm tra tất cả các chi nhánh cấp 1 tại TP. Hà Nội và TP.HCM. Riêng các chi nhánh ở Hà Nội, theo Nghị quyết 70 thì không kiểm tra.

Đến ngày 1/11/2009, tôi đã cho đánh giá lại toàn bộ về việc nâng quyền phán quyết cho vay, lúc đó ký báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước và đề nghị thay đổi mô hình cho vay. Nhưng sau đó, thì nhận được thông báo đã bị cách chức.

Tôi đã mạnh dạn báo cáo về thực trạng của Ngân hàng, nhưng không có ai bảo vệ tôi. Hậu quả cho vay là tất yếu từ năm 2009 cho đến nay.

Phạm Thanh Tân (SN 1955), được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Agribank từ tháng 6/2009 đến 7/2011. Trong vụ án xảy ra tại Agribank, Phạm Thanh Tân bị quy kết có hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc ký duyệt cho Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD trái với yêu cầu của Nghị quyết HĐQT (Chi nhánh tự thu xếp từ nguồn vốn tài trợ thương mại hoặc nguồn vốn huy động khác). Nếu Phạm Thanh Tân thực hiện đúng, Agribank Nam Hà Nội sẽ không đủ tiền giải ngân cho Dự án Luxfashion, gây thiệt hại 40 triệu USD.

Phạm Thanh Tân cũng bị cáo buộc đã hưởng lợi 310.000 USD qua việc cho doanh nghiệp vay vốn. Trước Hội đồng xét xử, Phạm Thanh Tân phủ nhận việc này, chỉ thừa nhận đã nhận 60.000 USD. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư