Các đại án tại Agribank: Trách nhiệm thuộc về ai?

BĐT- Hai tháng trở lại đây, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM xét xử 3 đại án tham nhũng mà Agribank “đóng vai chính” với thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng.  
Quản trị ngân hàng cần được tăng cường để hạn ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Tiên Giang
Quản trị ngân hàng cần được tăng cường để hạn ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Tiên Giang

Hai tháng trở lại đây, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM xét xử 3 đại án tham nhũng mà Agribank “đóng vai chính” với thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng. Vài ngày tới, TAND TP. Hà Nội sẽ xét xử thêm vụ lừa đảo 2.500 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. Câu hỏi đặt ra từ các đại án này là hành vi tham nhũng, hối lộ và trách nhiệm quản lý, giám sát đã được làm rõ hay chưa?   

Thủ đoạn lập hồ sơ khống vay vốn

Vụ mới nhất được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm hôm 16/12 là vụ lừa đảo hơn 600 tỷ đồng tại Agribank  Chi nhánh 7 (CN7) và dự kiến kéo dài trong 5 ngày. Có 3 cựu lãnh đạo của Agribank CN7 phải ra trước vành móng ngựa trong phiên toà này, gồm Phạm Văn Cử (nguyên Giám đốc), Kiều Đình Thọ (nguyên Trưởng phòng Phòng Kế hoạch kinh doanh), Đỗ Thị Thu Hà (nguyên Phó phòng Phòng Kế hoạch kinh doanh) với tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngoài ra, còn có bị cáo Phạm Trịnh Thắng, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi cùng 4 đồng phạm bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (điểm lưu ý là trước đây họ chỉ bị truy tố về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”).

Theo cáo trạng, trong quá trình ký kết, thực hiện các hợp đồng tín dụng từ năm 2009 đến năm 2011 giữa Agribank CN7 với Công ty Mai Khôi, vợ chồng Phạm Trịnh Thắng và đồng bọn đã gian dối trong việc lập hồ sơ xin vay, lập báo cáo tài chính nâng lợi nhuận sau thuế, lập khống phương án kinh doanh gạo, dùng tài sản thế chấp là giá trị lô hàng nhập khẩu, xuất khẩu và nhà đất, sau đó thay thế bằng quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai khi chưa đứng tên sở hữu, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, sử dụng vốn sai mục đích để chiếm đoạt của Agribank hơn 172 tỷ đồng.

Các đối tượng vay vốn còn lập báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính khống để được Agribank CN7 cho vay vốn hàng trăm tỷ đồng. Sau đó, chúng dùng tiền đã được giải ngân để mua sắm, đầu tư mua cổ phần, mua đất làm dự án và trả các khoản vay trước đó.

Giám đốc Agribank CN7 Phạm Văn Cử cùng cấp dưới đã cho vay không đúng quy định như thẩm định không đúng thực tế tình hình hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính của các công ty vay vốn; nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất không đúng quy định... gây thiệt hại có thể mất khả năng thu hồi số tiền gốc hơn 396 tỷ đồng và lãi là gần 205 tỷ đồng, tổng số tiền bị thiệt hại là 601 tỷ đồng.

Lỗ hổng trách nhiệm

Từ vụ án Agribank CN7, nhìn lại loạt vụ án lừa đảo xảy ra tại nhiều chi nhánh của Agribank trong thời gian qua, điều dư luận bất bình là tại sao tỷ lệ lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn than thở khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng hoặc phải thực hiện đầy đủ các bước thủ tục khắt khe (phải chứng minh được khả năng trả nợ cả gốc và lãi đúng hạn), thì các đối tượng lừa đảo chỉ cần lập ra vài công ty con rồi dùng thủ đoạn đơn giản như lập hồ sơ khống, tài sản thế chấp giả vẫn dễ dàng “móc túi” Agribank hàng nghìn tỷ đồng?

Nhiều ý kiến cho rằng, có những khúc mắc mà đến giờ cơ quan tố tụng vẫn chưa làm rõ, như việc có hay không nạn hối lộ, chung chi cho cán bộ ngân hàng? Bởi chính sự vô trách nhiệm, thậm chí không loại trừ có vấn đề tiêu cực của một số cán bộ ngân hàng đã tiếp tay cho bọn lừa đảo.

Với các vụ lừa đảo này, vấn đề đặt ra là tại sao đối tượng lừa đảo lại qua mặt được các chi nhánh của Agribank mà không vấp phải trở ngại gì? Câu trả lời là do lòng tham và sự yếu kém nghiệp vụ của cán bộ tín dụng ngân hàng. Khi các yêu cầu về việc thanh kiểm tra trước, trong và sau khi vay vốn đã được quy định rất rõ, trách nhiệm trước tiên phải thuộc về cán bộ tín dụng, lãnh đạo ngân hàng khi cố tình phớt lờ rất nhiều nguyên tắc.

Hiện nay, bên cạnh việc tái cơ cấu toàn diện, để nâng hiệu quả quản lý, Agribank đã ban hành mới hầu hết các cơ chế về quản trị, điều hành và quy chế nghiệp vụ cấp tín dụng như: Quy định, quy trình cho vay, quy định về phân cấp quyết định cấp tín dụng, quy định về Hội đồng tín dụng, quy định về đảm bảo tiền vay..., bảo đảm cơ chế “ba tay”: có người đề xuất, người kiểm soát, người phê duyệt, không ai một mình có thể giải quyết được tất cả các công đoạn.

Ngân hàng này cũng xác định trách nhiệm trong mối quan hệ giữa Trụ sở chính với chi nhánh, nâng cao vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Trụ sở chính đối với hoạt động của Chi nhánh.

Nhưng giá như Agribank thực hiện sớm các giải pháp trên từ vài năm trước thì đâu phải đến nỗi thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Xét cho cùng, chỉ khi nào Agribank tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất nhằm tăng cường văn hóa liêm chính, kiểm soát lòng tham, lợi ích cá nhân từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên tín dụng, thì khi đó mới hy vọng những sai phạm về vốn vay sẽ không còn tiếp diễn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư