Vụ án tại Agribank: Doanh nghiệp “cám ơn” hàng chục tỷ đồng

BĐT-Nguyên Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội thừa nhận doanh nghiệp cám ơn 400.000 USD và 3 tỷ đồng…
Bị cáo Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội. Ảnh: LT
Bị cáo Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội. Ảnh: LT

Làm rõ khoản vay 50 triệu USD

Sáng ngày 21/12, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Agribank thông qua việc cho vay đối với Liên doanh Lifepro.

Lời khai của Chử Thị Kim Hiền (sinh năm 1958), nguyên Phó Giám đốc Agirbank Chi nhánh Nam Hà Nội cho thấy, khi Liên doanh Lifepro xin vay vốn để phục vụ Dự án Luxfashion, Chi nhánh Nam Hà Nội đã thành lập Tổ thẩm định Dự án, nhưng thực chất Tổ thẩm định không thẩm định thực tế Dự án.

Chử Thị Kim Hiền thừa nhận được phân công là Tổ trưởng Tổ thẩm định và chỉ có trách nhiệm “phân công, đôn đốc” chung đối với thành viên trong Tổ thẩm định mà không tham gia thẩm định thực tế. Quá trình thẩm định, các tổ viên có nộp báo cáo và Hiền chỉ thẩm định trên nội dung báo cáo, còn thực tế các nhân viên dưới quyền có thẩm định hay không vị Phó Giám đốc này không rõ.

Đối với khoản vay 50 triệu USD để mua 6 thương hiệu, ngân hàng đã giải ngân cho Liên doanh Lifepro mà không xác định được chủ sở hữu thương hiệu. Liên doanh Lifepro ký hợp đồng mua 6 thương hiệu nhưng bên bán lại không phải là chủ sở hữu của các thương hiệu này. 6 thương hiệu này sau đó được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. Nhưng do thương hiệu không có thật hoặc không thuộc sở hữu của bên bán nên Ngân hàng không thể xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản vay khi Liên doanh Lifepro không trả được nợ.

Nhận 3 tỷ đồng tiền cám ơn từ doanh nghiệp

Lời khai của các nhân viên dưới quyền, trong Tổ thẩm định Dự án, thừa nhận không thẩm định thực tế. Trương Thị Út, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Tín dụng khai chỉ ký vào báo cáo thẩm định để hợp thức hóa. Đỗ Tiến Long khẳng định có thẩm định 6 thương hiệu nhưng chỉ căn cứ và dựa trên hóa đơn chứng từ mua bán 6 thương hiệu mà không làm rõ các thương hiệu này có thực sự thuộc sở hữu của bên bán.

Dù ở cương vị Phó Giám đốc Chi nhánh nhưng Chử Thị Kim Hiền tự nhận năng lực nhận thức, trình độ có hạn nên không rõ lắm, không phát hiện tài sản bảo đảm “ma” chỉ khi cơ quan điều tra vào việc, vị lãnh đạo này mới biết sự thật. Thực tế, được giao thẩm định nhưng các cán bộ ngân hàng không thẩm định; đã không thẩm định nhưng vẫn làm báo cáo đánh giá khả thi, sai chồng thêm sai.

Khi doanh nghiệp tỏ ý muốn đến cám ơn, Hiền đã xin ý kiến Phạm Thị Bích Lương và được Lương đồng ý thì Hiền mới nhận chung cho cả Chi nhánh số tiền 3 tỷ đồng, bản thân Hiền được hưởng 800 triệu đồng.

Đối với việc giải ngân khoản vay 50 triệu USD này, Chử Thị Kim Hiền khai không được hưởng lợi nhưng thừa nhận ở giai đoạn Công ty CP Enzo Việt vay vốn của Agribank thì bị cáo có nhận 400.000 USD theo chỉ đạo của Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Chi nhánh. Khoản tiền này để chi chung cho một số anh em, riêng Hiền được 50.000 USD.

Ngoài khoản này, khi doanh nghiệp tỏ ý muốn đến cám ơn, Hiền đã xin ý kiến Phạm Thị Bích Lương và được Lương đồng ý thì Hiền mới nhận chung cho cả Chi nhánh số tiền 3 tỷ đồng, bản thân Hiền được hưởng 800 triệu đồng.

Phạm Thị Bích Lương khẳng định đã làm đúng quy trình, đã xem xét báo cáo đánh giá tính khả thi của dự án rất kỹ. Xảy ra sai sót dẫn đến tài sản bảo đảm không có là do cán bộ cấp dưới.

Nhìn chung, lời khai của các lãnh đạo, cán bộ ngân hàng cho thấy, đối với một khoản vay, ngân hàng đòi hỏi một hồ sơ phức tạp, nhiều yếu tố từ hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế và báo cáo đánh giá khả thi. Nhưng trên thực tế, nhiều giai đoạn trong thẩm định trước khi cho vay đã không được các cán bộ ngân hàng tuân thủ chặt chẽ, đặc biệt là yếu tố tài sản bảo đảm. Chẳng hạn như tình trạng 6 thương hiệu nói trên hay các hàng hóa nguyên liệu khác phục vụ Dự án Luxfashion.

Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội đã cho Liên doanh Lifepro vay vốn để nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu, thanh toán qua L/C. Dựa trên hợp đồng mua bán, chứng từ hóa đơn, ngân hàng đã giải ngân cho đối tác nước ngoài nhưng thực tế hàng hóa không được nhập khẩu về. Và ngân hàng hoàn toàn không biết gì cho đến khi cơ quan hải quan thanh, kiểm tra Nhà máy của Liên doanh mới phát hiện ra.

Theo cáo trạng, Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank đã ký cho Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của Hội sở và nhận 310.000 USD từ Giám đốc chi nhánh này.

Cơ quan tố tụng cũng xác định, để Agribank thất thoát hàng nghìn tỷ đồng có sự giúp sức tích cực của các cán bộ ngân hàng. Phạm Thị Bích Lương (nguyên Giám đốc Agribank Nam Hà Nội) là người ký đề nghị HĐQT nâng quyền phán quyết cho vay đối với Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam.

Lương đã có hàng loạt sai phạm như: chỉ đạo và trực tiếp tham gia quá trình thẩm định, giải ngân đối với Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, các khoản cho vay hoàn toàn không có căn cứ, không thẩm định mà chỉ dựa trên thông tin do doanh nghiệp cung cấp, không tổ chức kiểm tra nên không phát hiện việc ngân hàng bị lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản....

Chử Thị Kim Hiền (nguyên Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội) tham gia lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Liên doanh Lifepro không có căn cứ, không có thẩm định. Không tổ chức chặt chẽ kiểm tra việc sử dụng vốn sau cho vay nên không phát hiện được ngân hàng bị lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hiền thừa nhận, đã tham gia giải ngân 50 triệu USD cho vay mua 6 thương hiệu nước ngoài không có thật. Hiền đã sang Thái Lan làm việc với đối tác nước ngoài về các khoản vay, ký báo cáo thẩm định về dự án vay vốn, ký báo cáo thẩm định nhưng thực tế không thẩm định gì, việc ký này chỉ là để hợp thức theo chỉ đạo của Lương.

Chuyên đề