Chỉ trong 3 năm gần đây, Sacombank đã không dưới 3 lần thay Chủ tịch HĐQT |
Những “cuộc chiến” giành “ghế nóng” đầu tiên
Biến động nhân sự cấp cao ngành ngân hàng ngày càng trở nên quyết liệt khi cuộc “đại phẫu” của ngành sắp vào giai đoạn kết thúc. Tại những ngân hàng có kết quả kinh doanh sa sút do nợ xấu tăng, buộc phải tái cấu trúc, “cuộc chiến” giành vị trí “ghế nóng” trở nên hết sức gay gắt.
Tại Eximbank, sau khi ông Lê Hùng Dũng từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, thị trường tài chính lại chứng kiến sự ra đi của ông Phạm Hữu Phú, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (CEO) chỉ sau hơn 1 năm ông quay lại điều hành nhà băng này. Ông Trần Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc sau đó được bổ nhiệm giữ chức Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng. Tuy nhiên, “nóng” nhất phải kể đến vị trí Chủ tịch HĐQT.
ĐHCĐ bất thường của Eximbank ngày 15/12/2015 đã thông qua việc bầu nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới 2015-2020. Tuy nhiên, sau cuộc họp kéo dài từ 9h sáng đến 17h chiều, kết quả bầu vị trí Chủ tịch HĐQT đã không thể có ngay được như quy trình thông thường ở các ngân hàng khác. Sau đó, cuộc họp bầu vị trí Chủ tịch HĐQT tiếp tục diễn ra với sự tham gia của Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, song sau hơn 1 tiếng đồng hồ, cuộc họp trên được tạm hoãn. Một ngày sau, HĐQT nhiệm kỳ mới Eximbank lại có thêm cuộc họp kéo dài hơn 3 tiếng để bầu Chủ tịch. Kết quả, ông Lê Minh Quốc, Thành viên HĐQT độc lập Eximbank đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Kết quả này là khá bất ngờ, bởi trước đó, trên thị trường có “tin đồn” rằng, vị trí Chủ tịch Eximbank nhiệm kỳ mới sẽ thuộc về ông Cao Xuân Ninh, Trưởng đại diện NHNN tại TP. HCM.
Trước khi ông Quốc ngồi vào “ghế nóng” tại Eximbank, giới truyền thông đã tốn không ít giấy mực về câu chuyện M&A giữa Nam A Bank và Eximbank, với việc Tập đoàn tư nhân Hoàn Cầu của bà Trần Thị Hường (bà Tư Hường) tìm cách chi phối Eximbank. Nhất là khi ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm, nguyên lãnh đạo Nam A Bank từng được đề cử vào danh sách ứng cử HĐQT Eximbank, tỷ lệ 10,5% và 11,7%, nhưng cuối cùng đã không có tên trong danh sách đề cử HĐQT nhiệm kỳ mới, khiến không ít cổ đông đã ủy quyền cho hai đại diện trên tỏ ra bức xúc.
Tương tự với “đại gia” Trầm Bê, tuy việc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank đã hoàn tất và sắp tới đây, Sacombank chuẩn bị tiến hành ĐHCĐ bất thường, nhưng người từng nắm quyền Phó chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank phải bàn giao công việc trước ngày 30/10/2015 và ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị Sacombank sau tái cơ cấu.
Theo văn bản của NHNN, ông Trầm Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và Điều lệ Ngân hàng SouthernBank. Thông qua số cổ phần đã ủy quyền này, NHNN đang có trong tay hơn 51% cổ phần của Sacombank sau hợp nhất và là cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối tại đây. Dự kiến đại diện của Nhà nước tham gia vào HĐQT Sacombank sau hợp nhất, sẽ chính thức có mặt trong ĐHCĐ sắp tới. Bởi thế, thị trường lại có “cớ” để đồn đại về vị trí nhân sự cấp cao của Sacombank.
Như vậy, có thể một lần nữa bộ máy nhân sự cấp cao của Sacombank lại có sự biến động. Trong khi đó, nhiều người nghĩ rằng, ông Trầm Bê tưởng chừng sẽ là người nắm quyền điều hành nhà băng này lâu dài, sau khi cùng nhóm cổ đông lớn thâu tóm quyền điều hành Sacombank (ông Đặng Văn Thành phải ra đi) và sáp nhập SouthernBank vào Sacombank vốn được xem là kế hoạch hoàn hảo. Sacombank đã không dưới 3 lần thay Chủ tịch HĐQT trong 3 năm kể từ khi nhà băng này rơi vào tay của nhóm cổ đông lớn, trong đó có ông Trầm Bê, ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch Eximbank và ông Phạm Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Sacombank, đồng thời là nguyên CEO Eximbank.
Ngoài ra, cũng có không ít chủ tịch, CEO của các ngân hàng thời gian qua do đã “vung tay quá trán” trong cho vay bất động sản, để lại hậu quả nợ xấu nên đã bị “bay ghế”, thậm chí rơi vào cảnh lao lý. Một trong những ngân hàng được dư luận quan tâm nhất trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2015 là DongA Bank.
Sau khi rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của NHNN, 2 cán bộ cấp cao của nhà băng là ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank bị đình chỉ, cùng với việc từ nhiệm của TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Chủ tịch HĐQT DongA Bank. Tại kỳ ĐHCĐ ngày 21/7/2015, ngân hàng này đã có tân Chủ tịch HĐQT và CEO là ông Võ Minh Tuấn và ông Nguyễn Thanh Tùng, cả hai đều đến từ Vietinbank.
Trước đó, ông Phạm Công Danh và ông Phạm Thành Mai nguyên Chủ tịch và CEO của VNCB; ông Hà Văn Thắm và bà Nguyễn Minh Thu, nguyên Chủ tịch và CEO OceanBank cũng nằm trong “dòng xoáy” bị đình chỉ. Kết quả, các ngân hàng trên đã được bán lại với giá 0 đồng cho NHNN và bộ máy quản trị, điều hành từ lãnh đạo cấp cao đến những bộ phận bên dưới được thay mới.
Sẽ còn “làn sóng” thứ hai
Chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc, M&A khiến nhiều nhà băng phải thay “ghế nóng” và người lên nắm quyền điều hành chưa hẳn là ông chủ thực sự của các nhà băng đó.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng khẳng định, với quy mô nền kinh tế như Việt Nam, chỉ cần 15 ngân hàng hoạt động là vừa đủ. Trong đó, không phân biệt ngân hàng theo quy mô lớn hay nhỏ mà dựa trên các tiêu chí hoạt động có an toàn, lành mạnh hay không. Để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2016 sẽ buộc các ngân hàng phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo rủi ro trong hoạt động, tăng vốn điều lệ đúng quy định hoặc đẩy mạnh việc M&A. Nếu không, NHNN sẽ mua lại cổ phần để tham gia. Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính, sẽ còn nhiều nhà băng thay chủ tịch HĐQT, CEO.
Thực tế, chỉ sau hơn 3 năm ngành ngân hàng đẩy mạnh chủ trương tái cấu trúc, M&A, thị trường tài chính đã có sự cải tổ đáng ghi nhận khi loại bỏ dần những ngân hàng yếu kém (về quản trị, nợ xấu tăng, siết sở hữu chéo), nhưng vẫn không khỏi bất ngờ khi có nhiều “đại gia” ngân hàng mất “ghế”.
Theo giới phân tích, trong năm 2016, hoạt động M&A trong ngành này vẫn sôi động. Thậm chí, NHNN còn tính đến chuyện cho phá sản ngân hàng quản trị yếu kém, nợ xấu cao và không thể tăng được năng lực tài chính. Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc NHNN cho biết, năm nay NHNN sẽ tập trung xử lý các TCTD yếu kém và vấn đề M&A những ngân hàng yếu kém sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
“Trước hết, ưu tiên M&A tự nguyện, sau đó sẽ áp dụng các biện pháp mạnh. Lúc đầu, có thể cho phá sản các quỹ tín dụng đến các công ty tài chính hoạt động yếu kém để thị trường quen dần, sau đó sẽ đến ngân hàng yếu kém”, ông Thanh nhấn mạnh và cho rằng, các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là ngân hàng có vốn điều lệ thấp. Bởi các thông lệ quốc tế đã được đưa ra, nên bắt buộc các ngân hàng nhỏ phải tăng cường năng lực tài chính mới có thể đáp ứng được yêu cầu và tạo sức mạnh cho mình trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, nếu không sẽ phải M&A.
Động thái mạnh mẽ này dự báo sẽ tiếp tục tạo nên một “làn sóng” nữa về biến động nhân sự cấp cao của ngành ngân hàng, bởi khi đã M&A, bộ máy điều hành của hai nhà băng sẽ nhập thành một.
Hiện thị trường vẫn còn không ít ngân hàng vốn điều lệ chỉ ở mức 3.000 tỷ đồng và không thể nâng cao năng lực tài chính trong nhiều năm qua, như là Saigonbank, Kienlongbank, VietABank...
Trong năm 2015, Saigonbank có dự tính tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, (tăng 920 tỷ đồng so với năm 2013) theo phương án đã trình ĐHCĐ thông qua. Tuy nhiên, kế hoạch trên đến nay vẫn chưa thể triển khai. Một phần do Saigonbank là ngân hàng nhỏ và trước áp lực M&A, cổ đông không mặn mà rót vốn.
Thị trường từng xuất hiện thông tin Saigonbank sẽ “về chung nhà” với Vietcombank và lãnh đạo NHNN đã xác nhận điều này. Thế nhưng, trước câu hỏi của nhiều cổ đông về việc tại sao chưa có thông tin sáp nhập, HĐQT Saigonbank cho biết, chủ trương của Ngân hàng là tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và nâng cao năng lực tài chính, quản trị. Còn về vấn đề sáp nhập, hiện Saigonbank vẫn chưa tính đến. Cơ quan chủ quản của Saigonbank là Thành ủy TP. HCM cũng chưa có ý kiến và kế hoạch cụ thể về vấn đề này.
Cuối năm 2015, Saigonbank đã đưa ra thông báo đến cổ đông về việc thay đổi nhân sự cấp cao ở vị trí Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Nguyễn Phước Minh thôi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013-2017 từ ngày 1/9/2015 để nghỉ hưu theo chế độ. Người thay thế ông Minh là ông Trần Quốc Hải, Thành viên HĐQT.
Không chỉ Saigonbank mà trước đó, vào giữa tháng 7/2015, Nam A Bank cũng bất ngờ tiến hành ĐHCĐ bất thường thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Nam A Bank nhiệm kỳ VI (2011-2016) của ông Nguyễn Quốc Toàn. Trong năm 2015, Nam A Bank đã nỗ lực tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, song chỉ hoàn thành được 2,1% kế hoạch. Vì vậy, kế hoạch tăng vốn của Nam A Bank chưa thể hoàn tất. Việc sáp nhập vào Eximbank như đồn đoán cũng bị dập tắt khi Chủ tịch HĐQT Nam A Bank ông Phan Đình Tân khẳng định, Nam A Bank không nắm cổ phiếu nào của Eximbank. Hiện nhà băng này cho biết, đang nỗ lực triển khai, hoàn tất đề án tự tái cấu trúc bằng chính nội lực.
Nhưng liệu các nhà băng nhỏ có trụ vững, khi năng lực tài chính còn hạn chế, quản trị yếu kém, nợ xấu chưa thể xử lý nhanh… trong khi việc tăng vốn là không đơn giản?
Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, để lành “sạch” hệ thống, nguồn vốn tăng thêm phải “lành mạnh”. Nếu nhà băng tăng bằng vốn ảo, sớm muộn cũng sẽ gặp rủi ro. Vấn đề sở hữu chéo trong thời gian tới cũng sẽ được kiểm soát rốt ráo và NHNN sẽ mạnh tay hơn. NHNN có chỉ đạo các nhà băng, nhất là ngân hàng nhỏ phải tăng cường quản trị rủi ro để hạn chế nợ xấu mới. Vì vậy, CEO cần phải “thoát” được sự khống chế từ “ông chủ” của mình (Chủ tịch HĐQT) để có thể điều hành tốt, tránh rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Chủ trương của NHNN là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành và xu hướng sắp tới sẽ sáp nhập, hợp nhất thêm không ít ngân hàng nhỏ. Muốn cạnh tranh được trong bối cảnh thị trường ngày một khó khăn, phải hợp nhất lại để cùng nhau lớn mạnh, không chỉ về công nghệ, mạng lưới và con người, mà cả việc nâng tầm mô hình quản trị và tăng trưởng. Do đó, không chỉ ngân hàng yếu sáp nhập với nhau, mà ngay cả ngân hàng lớn cũng nên M&A. Cùng với làn sóng M&A là sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, giảm tỷ lệ sở hữu chéo, cho nên nhân sự cấp cao ngành này sẽ còn có biến động và đó là xu thế tất yếu!