Ảnh Internet |
Đây là con số thấp nhất trong vòng 14 năm trở lại, chỉ bằng 1/8 so với chỉ tiêu lạm phát mà Quốc hội thông qua (dưới 5%). Lạm phát được kiểm soát liên tục trong 4 năm liền, không lặp lại vòng luẩn quẩn là 2 năm tăng, một năm giảm như giai đoạn 2007 - 2012.
Lạm phát thấp là niềm vui đối với người dân, doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Người dân có thu nhập thực tế tăng, không phải chịu một loại “thuế vô hình” bởi lạm phát thấp. Nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh an tâm, Nhà nước có dư địa lớn hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn chưa đạt đến tiềm năng của nó.
Tuy nhiên, lạm phát quá thấp cũng sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đó là người tiêu dùng tạm hoãn chi tiêu để chờ giá giảm sâu hơn kéo theo sức mua ì ạch, hoạt động kinh tế cũng ngưng trệ theo, DN giảm đầu tư và tuyển dụng để tiết kiệm chi phí, doanh số và nguồn thu thuế sẽ giảm. Lạm phát quá thấp do thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tác động đến nguồn vốn cho hoạt động của doanh nghiệp, chi tiêu của Chính phủ, việc làm, tăng trưởng kinh tế và tác động đến cả chính sách tài khóa, như giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời tác động trực tiếp đến hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Lạm phát quá thấp do người dân thắt lưng buộc bụng, chứ không phải do năng suất chất lượng nâng cao. Lạm phát quá thấp do quá chú trọng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dẫn đến tăng trưởng dưới tiềm năng và trong tương lai có thể gây mất cân đối cung cầu hàng hóa và sẽ tạo ra lạm phát do thiếu cung. Lạm phát thấp bằng cách này là không bền vững, bởi do nhân tố khách quan và những tác động không mong muốn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng, kể cả một giai đoạn lạm phát ổn định, nhưng thấp cũng có thể gây tác hại.
Năm 2016 là năm hội nhập quốc tế tích cực của nước ta với các hiệp định thương mại tự do (11 đã ký và 4 chuẩn bị ký). Các chuyên gia thế giới dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ có được sự cải thiện phần nào về tốc độ tăng trưởng trong năm 2016, sau 4 năm suy thoái liên tục ở các nền kinh tế lớn (2011 - 2014). IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,6%, lạm phát toàn cầu khoảng 1,2% vào năm 2016. Nền kinh tế nước ta sẽ chịu nhiều tác động lớn từ nền kinh tế thế giới.
Trong đó, giá dầu sẽ là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam. Ngoài ra, giá các mặt hàng cơ bản như điện, nước, học phí, viện phí dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng trong năm 2016, từ đó, sẽ trở thành lực đẩy lên chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, do giá cả trên thị trường quốc tế tiếp tục thấp và cầu trong nước chưa tăng mạnh, CPI được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp, khoảng 3 - 3,5%, tùy thuộc vào mức độ cải cách giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công.