Lạm phát năm 2016 sẽ chịu tác động của nhiều sức ép hơn so với năm 2015. Ảnh: LTT |
Năm 2015, một trong những biến số kinh tế vĩ mô giành được nhiều sự quan tâm nhất là lạm phát. Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, CPI cả nước năm 2015 chỉ tăng 0,63%, là mức thấp kỷ lục trong 14 năm vừa qua (kể từ năm 2001), và cũng thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra.
Lạm phát sẽ chịu tác động của nhiều sức ép hơn
Về mặt lý thuyết, lạm phát thấp sẽ là cơ hội cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ theo cơ chế thị trường – như phát biểu của bà Vũ Thị Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2015 và câu chuyện hội nhập”, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa lại đưa ra những phân tích có phần thận trọng về tình hình lạm phát, về những sức ép lạm phát năm 2016 mà Việt Nam phải đối mặt.
Giá nguyên vật liệu năm 2015, đặc biệt là giá dầu, đã giảm sâu ngoài dự đoán trước đây. Năm 2016, xác suất giảm giá nguyên vật liệu như năm 2015 là rất thấp. Thậm chí, bất kỳ yếu tố nào tăng lên ngay lập tức sẽ tác động mạnh mẽ lên CPI cả nước. Lạm phát năm 2016 sẽ chịu tác động của nhiều sức ép hơn so với năm 2015 – TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 11% trong giỏ hàng hóa tính CPI, nhưng trong năm 2016, việc điều chỉnh tăng gấp 4 - 5 lần giá dịch vụ y tế và giáo dục cũng đủ sức “kích” CPI tăng khoảng 1,9 - 2,3%. Bên cạnh đó, lạm phát thấp năm vừa qua cũng là cơ hội để Việt Nam tranh thủ điều chỉnh giá điện. Tổng cộng 2 tác động này lên CPI ở vào khoảng 3 - 4%.
“Tuy nhiên, đấy mới chỉ là những yếu tố tác động trực tiếp lên lạm phát”, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định và cho rằng: “Lãi suất là một biến số gắn liền với lạm phát. Hiện nay nếu để lãi suất tăng lên chỉ cần từ 1 - 2% thôi, mọi cố gắng trước kia trong quản lý tài chính, tiền tệ, sẽ trở thành muối bỏ bể. Chính vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên quyết tìm mọi cách để ổn định lãi suất. Khống chế một quy luật thị trường là điều chưa từng dễ dàng, nhất là với tình hình tài chính trong nước và quốc tế năm 2016”.
3 yếu tố tác động lên lãi suất năm 2016
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, có 3 yếu tố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất năm 2016. Thứ nhất là trái phiếu chính phủ. Đường cong lãi suất đang có xu hướng đi lên, lợi suất trái phiếu cũng đang đi lên mạnh mẽ, khó có thể cản trở được. Quá sớm để nói đến việc hình thành một mặt bằng lãi suất mới, nhưng áp lực tăng lãi suất đã hiển hiện tương đối rõ rệt.
Hiện nay chỉ số đo rủi ro của trái phiếu chính phủ đang có xu hướng đi lên. Mức cao nhất lên tới 300 điểm (hiện tại đang xoay quanh mức 270 điểm). Chỉ số này nói lên một điều rằng, ngay cả các nhà đầu tư trái phiếu chính phủ cũng đang lo ngại khả năng xử lý nợ công của Việt Nam đang có rủi ro rất lớn. Huy động trái phiếu chính phủ sẽ gặp khó khăn hơn, chấp nhận lãi suất cao là điều khó tránh khỏi.
Ông Nghĩa nêu một ví dụ tương đối thú vị: Hy Lạp vỡ nợ khi chỉ số rủi ro trái phiếu chính phủ nằm ở mức 330 đến 380 điểm. Việt Nam đã có lúc chỉ số lên tới gần 500 điểm (năm 2011), nhưng vẫn “không sao cả”!
Thứ hai là vấn đề nợ xấu. Việt Nam đang xử lý nợ xấu trong tình huống không có tiền, không có nền tảng pháp lý hỗ trợ. Vì thế, chúng ta phải làm theo kiểu “vừa làm vừa chờ đợi thị trường”. Điều này dẫn đến hệ quả là tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng chi phí ngân hàng tăng mạnh, từ mức 16% lên 23% - do dự phòng rủi ro quá lớn. Tỷ lệ này tăng khiến sức chịu đựng rủi ro của ngân hàng thương mại (NHTM) giảm, nền tảng tài chính vì vậy cũng sẽ giảm. Theo thống kê, ROE của các NHTM hiện tại chỉ ở mức 5%. Trong giai đoạn lạc quan trước kia, chỉ số này ở vào khoảng 15 - 17%. Các NHTM vì vậy khó có thể giảm lãi suất cho vay xuống được – ông Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Thứ ba là việc Mỹ điều chỉnh lãi suất. Sau khi FED công bố điều chỉnh tăng lãi suất 0,25% vào giữa tháng 12, ngay lập tức tỷ giá USD/VND đứng trước áp lực tăng mạnh. Việc nâng tỷ giá ngay lập tức tác động đến lạm phát và lãi suất. Có thể hiểu, khi tỷ giá tăng, hàng nhập khẩu (trong đó có nguyên vật liệu) sẽ phải nhân với một tỷ giá mới, trở nên đắt hơn, khiến giá cả hàng hóa tăng lên tương ứng.
Nói về chính sách lãi suất tiền gửi USD, ông Nghĩa cho rằng, chúng ta đang cố tình dìm lãi suất USD xuống thật thấp nhằm đề cao lợi tức tiền gửi bằng VND. Kế hoạch này nằm trong lộ trình chống đô la hóa – dự kiến đến năm 2018 sẽ kết thúc.