Các cơ sở y tế sẽ điều chỉnh giá hàng loạt dịch vụ y tế. Ảnh: Tất Tiên |
Vì sao dự báo CPI và thực tế khác nhau quá xa?
Năm 2014, Quốc hội đặt mục tiêu CPI tăng 7%, cuối cùng chỉ tăng 1,84%. Tương ứng trong năm 2015, mục tiêu đặt ra là 5% và kết quả cuối cùng chỉ tăng 0,6%. Câu hỏi đặt ra là vì sao giữa dự báo và thực tế có khoảng cách quá xa nhau?
Mục tiêu đặt ra đối với CPI chỉ là dự báo, và theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì “dự báo chỉ là dự báo”, không thể chính xác.
“Năm 2014, Quốc hội đặt mục tiêu lạm phát 7%, nhưng đến Kỳ họp Quốc hội thứ 8 (tháng 10/2014), Chính phủ dự báo ở mức khoảng 4,6%, đến khi kết thúc chỉ còn 1,84%. Chúng ta đều biết dự báo thì không thể chính xác. Các quốc gia và các tổ chức quốc tế dự báo chỉ trong vòng 1 quý và sẽ thay đổi dự báo nếu tình hình kinh tế, chính trị biến động lớn. Chúng ta lập kế hoạch trước hơn 1 năm, ví dụ tháng 10/2014, Chính phủ trình Quốc hội các chỉ tiêu của năm 2015, tương tự tháng 10/2015, Chính phủ trình Quốc hội thông qua các chỉ tiêu của năm 2016 trong đó có chỉ số lạm phát nên rất khó chính xác. Mọi dự báo, tính toán trong điều kiện thị trường thế giới đầy biến động cả kinh tế lẫn chính trị quả thật là điều rất khó. Đồng thời, với Việt Nam, các cơ quan làm dự tính, dự báo không có điều kiện để tiếp cận thường xuyên với các quốc gia trên thế giới, mà chủ yếu thông qua mạng Internet và làm việc với một số cơ quan, tổ chức nước ngoài nên càng khó chính xác trong dự báo lạm phát”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích.
Học phí tăng, viện phí tăng, tăng lương từ 1/5/2016, giá điện nhiều khả năng cũng sẽ tăng trong năm 2016..., là những yếu tố khiến lạm phát năm 2016 tăng trở lại, thậm chí được dự đoán là tăng quá 5%.
Giải thích về việc trong mấy năm gần đây Chính phủ luôn trình Quốc hội thông qua mức lạm phát 5-8% (năm 2013 là 8%, năm 2014 là 7%, năm 2015 và 2016 là 5%), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, kinh tế vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp, gia công, lắp ráp, chế biến, nên mức lạm phát 5-7% là mức tốt nhất để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mức lạm phát thấp hơn mục tiêu đặt ra cũng rất tốt vì sẽ tạo ra dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, tín dụng và tài khóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích, do khi dự báo thì đặt trong bối cảnh bình thường, nhưng diễn biến của thị trường thế giới bất thường, đặc biệt là giá lương thực và giá xăng dầu biến động lớn nên dự báo rất khó chính xác. Khi Quốc hội thông qua chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 thì giá dầu mỏ trên thị trường thế giới giao dịch ở mức 110 USD/thùng, Quốc hội tính dự toán chỉ có 100 USD/thùng, nhưng chỉ vài tháng sau giá dầu xuống dưới 50 USD/thùng, thường xuyên ở mức 40-43 USD/thùng. Dầu mỏ giảm giá kéo theo việc giảm giá thành của hàng loạt sản phẩm khác trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, khiến CPI của Việt Nam năm 2015 giảm mạnh. “CPI thấp cũng không sao, nền kinh tế của ta không vì thế mà chao đảo”.
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, lạm phát năm 2014 và 2015 thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra là điều kiện tốt để thực hiện chủ trương tăng giá một số loại hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu do Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá dịch vụ giáo dục (học phí) và giá dịch vụ y tế (viện phí), bảo đảm học phí và viện phí được tính đúng, tính đủ và tiến tới theo đúng giá thị trường, giảm dần và chấm dứt sự bao cấp tràn lan của Nhà nước.
Vẫn lo ngại lạm phát tăng trở lại
Năm 2016, Quốc hội đặt mục tiêu CPI tăng dưới 5%, mặc dù CPI năm 2015 chỉ tăng 0,6% và chưa có dấu hiệu tăng trở lại ngay cả khi đã vào dịp Tết Nguyên đán (thời điểm CPI tăng cao nhất trong năm), nhưng bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê vẫn lo ngại nhiều khả năng năm 2016, CPI sẽ tăng trở lại, thậm chí tăng quá 5%.
Theo bà Thủy, năm 2016 có nhiều yếu tố tác động tới việc tăng CPI. Thứ nhất, mức học phí nhiều khả năng sẽ điều chỉnh theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngay trong quý 1/2016. Thứ hai, sắp tới Liên bộ Tài chính -Y tế sẽ ban hành thông tư hướng dẫn tăng viện phí và ngay sau khi có hướng dẫn, các cơ sở y tế sẽ điều chỉnh giá hàng loạt dịch vụ y tế.
Tăng lương cơ sở cho khu vực nhà nước thêm 5% (từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng) kể từ 1/5/2016 và điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp kể từ 1/1/2016, theo bà Thủy cũng sẽ tác động đáng kể đến CPI năm 2016.
“Ngày 16/3/2015, Chính phủ đồng ý cho ngành điện tăng giá điện thêm 7,5% - mức thấp nhất theo đề xuất của Bộ Công Thương. Vì vậy, giá điện được điều chỉnh tăng trong thời gian tới cũng sẽ tác động không nhỏ tới CPI năm 2016”, bà Thủy tính toán.