Khai trương ngân hàng 100 tỷ USD do Trung Quốc khởi xướng

Một trụ cột trong tầm nhìn của ông Tập Cận Bình nhằm đưa Trung Quốc ngang tầm với Mỹ...
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ khai trương AIIB sáng 16/1 - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ khai trương AIIB sáng 16/1 - Ảnh: Reuters.

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) với số vốn 100 tỷ USD sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và cải thiện hội nhập khu vực - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu sáng 16/11 tại lễ khai trương ngân hàng này ở Bắc Kinh. 

Sự kiện khai trương AIIB đánh dấu sự xuất hiện ngân hàng phát triển đa phương lớn đầu tiên trên thế giới trong vòng một thế hệ. Theo hãng tin Bloomberg, ông Tập nói AIIB sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho không chỉ châu Á mà cả phần còn lại của thế giới. 

Với trụ sở đặt tại Bắc Kinh, AIIB sẽ cạnh tranh và hợp tác với cả Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở ở Washington và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản dẫn đầu. Hiện đã có 57 quốc gia đăng ký tham gia AIIB với tư cách thành viên sáng lập, trong đó có Việt Nam cùng nhiều nước đồng minh của Mỹ như Anh và Australia. 

Mỹ và Nhật Bản không tham gia ngân hàng này. 

AIIB được xem là trụ cột trong tầm nhìn của ông Tập Cận Bình nhằm đưa Trung Quốc đạt tới địa vị quyền lực ngang tầm với Mỹ - quốc gia phản đối sự ra đời của AIIB. 

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Trung Quốc cần đáp ứng lời hứa về tiêu chuẩn quản trị cao hơn tại AIIB trong bối cảnh nền kinh tế nước này giảm tốc và thị trường chứng khoán lao dốc mạnh. 

“Mở một ngân hàng phát triển là việc khá dễ, nhưng điều hành nó lại là việc khó”, ông David Loevinger, một cựu chuyên gia về Trung Quốc thuộc Bộ Tài chính Mỹ, hiện làm việc cho công ty quản lý quỹ TCW Group, nhận định. 

“Trung Quốc đã cam kết áp dụng tiêu chuẩn cao về quản trị và minh bạch ở AIIB. Đó là chuyện họ nói, còn giờ đã tới lúc họ phải hành động. Nếu Trung Quốc làm được, vai trò lãnh đạo toàn cầu của họ sẽ được cải thiện”, ông Loevinger nói. 

Phát biểu tại lễ khai trương AIIB, ông Pierre Gramegna, Bộ trưởng Bộ tài chính công quốc Luxembourg, nói rằng sự ra đời của AIIB cho thấy Trung Quốc đang giữ một vai trò đầy đủ với tư cách một thành viên của nền kinh tế quốc tế, và là một bằng chứng cho thấy sự tái cân bằng toàn cầu. 

Ông Tập nói AIIB sẽ cho phép Trung Quốc gánh vác thêm trách nhiệm quốc tế và thúc đẩy sự cải thiện hệ thống kinh tế quốc tế hiện nay. 

AIIB sẽ “dẫn thêm nguồn lực, đặc biệt là vốn đầu tư của tư nhân, vào các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á. Ngân hàng này sẽ đem đến một môi trường tốt hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn, và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng trung-dài hạn cho các quốc gia thành viên có nền kinh tế đang phát triển ở châu Á”, ông Tập phát biểu. 

AIIB ra đời sau nhiều năm Trung Quốc và các nước mới nổi khác đòi hỏi phải có sự cải tổ tại các định chế tài chính toàn cầu hiện tại nhằm phản ánh tốt hơn trật tự mới của nền kinh tế thế giới. 

Một bước tiến trong vấn đề này đã đạt được vào tháng trước khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn  một số thay đổi về quản trị đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), theo đó trao thêm quyền cho các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Kế hoạch này đã chờ phê chuẩn suốt từ năm 2010. 

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, hiện xếp thứ 6 về quyền bầu trong IMF, sau Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh. Theo kế hoạch điều chỉnh, quyền bầu của Trung Quốc trong IMF sẽ tăng lên vị trí thứ 3, trong khi quyền bầu của Ấn Độ sẽ tăng lên vị trí thứ 8 từ vị trí 11 hiện tại, và quyền bầu của Brazil sẽ tăng 4 bậc lên vị trí thứ 10. 

Ông Kim Lập Quần, người từng giữ vai trò đại điện của Trung Quốc tại WB và ADB, đã được bầu giữ vị trí Chủ tịch của AIIB. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc AIIB, trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Thomas Steffen được chọn là hai Phó chủ tịch Hội đồng Thống đốc AIIB.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư