Cuối tháng 9/2024, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố một loạt chính sách kích thích kinh tế nhằm đối phó với áp lực giảm phát và hỗ trợ thị trường bất động sản |
Mới đây, Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp kích thích kinh tế quan trọng nhằm phục hồi nền kinh tế đang suy yếu. Theo nghiên cứu của Deutsche Bank, gói kích thích này có thể được ghi nhận là "lớn nhất trong lịch sử". Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc chưa có nhiều phản ứng tích cực như kỳ vọng, đặt ra câu hỏi các gói kích thích kinh tế liệu có làm nên chuyện và đã có những bài học nào trong quá khứ?
10.000 tỷ USD kích thích kinh tế
Lần gần đây nhất thế giới chứng kiến những chương trình kích thích kinh tế khổng lồ là thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện và giai đoạn hậu đại dịch. Theo số liệu của McKinsey, các chương trình hành động về kinh tế của chính phủ các quốc gia trên thế giới đối với cuộc khủng hoảng này là chưa từng có. Nghiên cứu của McKinsey dựa trên phân tích phản ứng kinh tế của 54 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 93% GDP toàn cầu.
Theo kết quả nghiên cứu, chỉ trong vòng 2 tháng sau đại dịch, các quốc gia đã công bố chương trình hỗ trợ/gói kích thích kinh tế quy mô 10.000 tỷ USD. Con số này cao gấp 3 lần so với phản ứng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Chỉ riêng các nước Tây Âu đã phân bổ gần 4.000 tỷ USD với các chính sách kết hợp bao gồm bảo lãnh, cho vay, hỗ trợ tiền mặt cho doanh nghiệp và cá nhân…
Với tác động toàn cầu của cuộc khủng hoảng Covid-19, rất ít nhóm dân số, doanh nghiệp, lĩnh vực hoặc khu vực có thể tránh được những tác động kinh tế lan tỏa. Điều đó có nghĩa là các biện pháp của chính phủ phải hỗ trợ phần lớn nền kinh tế trong thời gian rất ngắn để duy trì sự ổn định tài chính, duy trì phúc lợi kinh tế hộ gia đình và giúp các công ty vượt qua khủng hoảng.
Xét về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hầu hết các quốc gia đều tập trung vào việc bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) dễ bị tổn thương và doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh nhất. Cụ thể, hơn 90% các quốc gia đã ban hành chính sách dành cho nhóm SME và hơn 50% hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, vận tải và lữ hành.
Cách tiếp cận phổ biến nhất, được hơn 80% các quốc gia thuộc danh sách nghiên cứu lựa chọn, là ban hành các biện pháp tái cấu trúc nợ và bảo lãnh cho vay.
Trong số các quốc gia trên thế giới, gói kích thích kinh tế của Mỹ nổi bật nhất với quy mô 1.900 tỷ USD. Đây là con số nằm trong gói kích thích kinh tế được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào tháng 4/2021, chưa kể chương trình 900 tỷ USD được thông qua trước đó.
Đáng chú ý, Mỹ là một trong số ít nền kinh tế đưa ra biện pháp hỗ trợ bằng tiền mặt để ứng phó với đại dịch. Cụ thể, quốc gia này trao tiền mặt cho người dân với 3 chương trình: 1.200 USD/người vào tháng 3/2020, 600 USD/người vào tháng 12/2020 và 1.400 USD/người vào tháng 3/2021.
Nhìn chung, các chính sách kích thích kinh tế được đánh giá đã hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nhiều vấn đề gây tranh cãi. Chẳng hạn, trong nhiều tháng, các nhà kinh tế đã tranh luận về tác động của chính sách hỗ trợ tại Mỹ đối với lạm phát. Nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng, các gói kích thích khiến tình hình lạm phát tồi tệ hơn nhưng mức độ tác động tới lạm phát cũng gây nhiều chia rẽ. Thực tế, lạm phát bắt đầu tăng vọt vào đầu năm 2021 sau khi gói kích thích được thông qua và vẫn duy trì ở mức cao cho tới nay. Một nghiên cứu gần đây tại Ngân hàng Dự trữ San Francisco cho thấy, các gói kích thích đã nâng lạm phát của Mỹ lên thêm 3% tính tới cuối năm 2021.
Nhiều tranh cãi khác cũng xuất hiện liên quan tới quy mô của gói hỗ trợ thứ 3 tại Mỹ khi trao trực tiếp 1.400 USD/người. Một số chuyên gia cho rằng, vấn đề không phải là các gói kích thích gây lạm phát, mà là giá trị của gói kích thích quá lớn.
Những bài học rút ra từ phản ứng đối với khủng hoảng Covid-19 là rất quan trọng, bởi nó định hình cách các nền kinh tế toàn cầu ứng phó với suy thoái kinh tế tiếp theo. Chẳng hạn, sau đại suy thoái 2008 - 2009, kinh nghiệm rút ra là các gói hỗ trợ có quy mô quá nhỏ không đủ sức chống đỡ trong bối cảnh đặc biệt khó khăn. Lần này, các nhà nghiên cứu lại nghiêng về ý kiến cho rằng, quy mô của các gói hỗ trợ quá lớn. Tất nhiên, một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ việc cơ sở vật chất an sinh xã hội đã không được chuẩn bị đúng mực để ứng phó với một cuộc khủng hoảng có quy mô lớn như vậy.
Tương quan so sánh quy mô gói kích thích kinh tế giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009 (ô vuông màu xanh) với giai đoạn Covid-19 (vòng tròn), cùng tỷ trọng của gói kích thích kinh tế so với GDP năm trước đó Nguồn: McKinsey & Company |
Tìm “liều thuốc đặc trị”
Cuối tháng 9/2024, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố một loạt chính sách kích thích kinh tế nhằm đối phó với áp lực giảm phát và hỗ trợ thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Trung Quốc đồng thời áp dụng các chính sách tài khóa bao gồm trợ cấp bằng tiền mặt trực tiếp cho người dân.
Theo báo cáo của Deutsche Bank, tổng quy mô gói kích thích kinh tế của Trung Quốc ước tính khoảng 7.500 tỷ nhân dân tệ (1.070 tỷ USD), tương đương 6% GDP của nước này vào năm 2024. Đây có thể được xem là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Các nội dung chính sách chính bao gồm: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, hạ lãi suất chính sách và lãi suất chuẩn thị trường. Động thái này sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (141,7 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính. Với thị trường bất động sản, hạ lãi suất cho vay đối với các khoản thế chấp với quy mô có thể lên tới 5.300 tỷ USD và nới lỏng các quy định về mua nhà thứ hai; giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất trung bình đối với các khoản vay thế chấp nhà và giảm tỷ lệ trả trước tối thiểu xuống 15% đối với tất cả các dạng nhà…
Trước khi gói kích thích được công bố, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hồi sinh thị trường nhà ở, bao gồm chương trình mua lại nguồn cung căn hộ dư thừa, dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với việc mua nhà, giảm mạnh lãi suất thế chấp và yêu cầu trả trước, nhưng thị trường vẫn chưa thể phục hồi. Nhu cầu trên thị trường nhà đất Trung Quốc vẫn ảm đạm và giá nhà tiếp tục sụt giảm với tốc độ mạnh nhất hơn 9 năm vào tháng 8/2024.
Cuộc khủng hoảng về bất động sản đè nặng lên nền kinh tế và ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng khi 70% tiền tiết kiệm của hộ gia đình Trung Quốc được đổ vào bất động sản.
Kể từ tháng 9/2024, sau khi triển khai gói kích thích, các chính sách kích cầu từ PBoC đã dần mang lại những thành tựu đầu tiên khi cải thiện doanh số bán lẻ, ổn định lạm phát và giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đã và đang tích cực đẩy một lượng hàng lớn ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, trước khi các chính sách thuế quan mang tính cực đoan (mức thuế dự kiến lên đến 60%) có thể được áp dụng đối với Trung Quốc, khơi màn một cuộc chiến thuế quan và tác động ngược đối với tình trạng lạm phát dai dẳng tại Mỹ.
Tổng quy mô gói kích thích kinh tế của Trung Quốc ước tính khoảng 7.500 tỷ nhân dân tệ (1.070 tỷ USD), tương đương 6% GDP của nước này vào năm 2024 |
Lạm phát ghi nhận mức tăng 0,3% trong tháng 10. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp ghi nhận lạm phát tiêu dùng nhưng cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 6, phản ánh rủi ro giảm phát gia tăng bất chấp các biện pháp kích thích của Trung Quốc nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu.
Chỉ số giá sản xuất giảm 2,9% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, sau mức giảm 2,8% của tháng 9/2024. Đây là tháng thứ 25 liên tiếp ghi nhận giảm chỉ số này và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2023, phản ánh nhu cầu nội địa tiếp tục yếu bất chấp những nỗ lực liên tục của Chính phủ Trung Quốc nhằm đảo ngược xu hướng.
Giá nhà mới tại 70 thành phố giảm 5,9% trong tháng 10/2024, sau mức giảm 5,8% của tháng trước đó. Đây là tháng giảm thứ 16 liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2015, bất chấp những nỗ lực liên tục của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động từ sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm giảm lãi suất thế chấp và cắt giảm chi phí mua nhà.
Theo Mirae Asset, hiệu quả của chính sách vẫn là một ẩn số lớn khi Trung Quốc phải đối mặt với các thách thức mang tính chiến lược như giải quyết vấn đề thất nghiệp, cải thiện niềm tin tiêu dùng và đầu tư do chịu ảnh hưởng của hiệu ứng tài sản, điều chỉnh tiêu dùng khi giá bất động sản liên tục giảm trong thời gian qua.
Đáng chú ý, phản ứng của các thị trường tài chính phần nào thể hiện sự “thất vọng” với các biện pháp được công bố. Các nhà phân tích lo ngại các biện pháp kích thích này cùng với gói tài khóa mới của Trung Quốc sẽ không mang lại tác động lớn khi không có nhiều biện pháp đủ mạnh để tác động trực tiếp tới tiêu dùng của các hộ gia đình.
Theo Bloomberg, sau gói kích thích này, giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào các cuộc thảo luận quan trọng về tình hình kinh tế tại Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc sẽ có thêm thời gian để cân nhắc các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, cũng như nắm rõ hơn về lập trường thuế quan của chính phủ mới tại Mỹ.