Vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất điện tử. Ảnh: Tiên Giang |
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia khi đánh giá về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Liên tiếp các dự án lớn được cấp phép
Một xu hướng rất đáng quan tâm là dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam trong thời gian gần đây phần lớn vẫn tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất hàng điện tử. Cụ thể, theo thông tin mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay trong những ngày đầu tháng 1/2016, một trong những dự án FDI đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án về công nghiệp điện tử của Công ty United More Sdn. Bhd. (Malaysia), với vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD. United More dự định xây dựng Nhà máy Aureumaex Precision Plastics, hướng đến trở thành nhà cung cấp cho tổ hợp Samsung SEHC tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).
Trước đó, trong tháng 12/2015, Samsung đã rót thêm 3 tỷ USD vào Dự án Công ty SamSung Display Việt Nam tại KCN Yên Phong 1, Bắc Ninh với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình. Đồng thời, trong tháng 12/2015, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. Đó là Dự án “Halla Vina” của nhà đầu tư Hallacast Co., Ltd., vốn đầu tư 30 triệu USD; Dự án HKT Electronics Việt Nam của HKT Co., Ltd., (Hàn Quốc), vốn đầu tư 16 triệu USD, và dự án của Woosung Molding & Plastics Co., Ltd., vốn đầu tư 34 triệu USD.
Trên các lĩnh vực khác, trong tháng 12/2015 cũng đã có nhiều dự án lớn đã được cấp phép, trong đó có 2 dự án có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD bao gồm Dự án Nhà máy Điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD do Công ty Janakuasa Sdn. Bhd. (Malaysia) đầu tư tại tỉnh Trà Vinh, Dự án Nhà máy Sản xuất giấy bao bì công nghiệp của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.
Năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 22,757 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Tăng tiềm lực cho kinh tế Việt Nam
Các chuyên gia kinh tế thừa nhận, khu vực FDI đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. “Chỉ hai dự án của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đã tạo động lực tăng trưởng cho các tỉnh phía Bắc”, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, FDI vẫn là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần gia tăng tiềm lực cho nền kinh tế Việt Nam. “Chỉ 1 dự án như Samsung Thái Nguyên đã thu hút hơn 200.000 lao động, đây là con số khổng lồ. Các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm vài trăm ha đất, nếu để đồng hoang vẫn được nhưng hàng triệu lao động sẽ không có việc làm, với mức thu nhập bình quân 5 - 10 triệu đồng/tháng. Cho nên cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để DN trong nước phát triển mạnh lên, chúng ta vẫn phải ủng hộ doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, việc thu hút FDI cũng sẽ chọn lọc theo hướng tập trung thu hút các dự án có chất lượng cao, góp phần gia tăng tiềm lực cho nền kinh tế và tạo nhiều công ăn việc làm, bảo đảm ổn định xã hội”, Bộ trưởng khẳng định.
Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tiếp tục có các chính sách thu hút đầu tư FDI, ưu đãi cho các doanh nghiệp dựa trên 3 trụ cột: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chi phí thuê đất... Để nâng cao hiệu quả thu hút FDI, Cục này cho biết, xu hướng trong thời gian tới sẽ hướng đến chuyển giao công nghệ nguồn, sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn, nâng cao công tác quản lý... để áp dụng vào thực tế tăng tiềm lực nội lực cho nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận động FDI chất lượng cao đầu tư vào Việt Nam để phát triển kinh tế đất nước và tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn. Đặc biệt, từng bước phát triển doanh nghiệp trong nước để kết nối hai bộ phận doanh nghiệp này hướng đến chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra giá trị sản phẩm cao.