Luồng sinh khí mới cho kinh tế Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 3 năm thực hiện 4 cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội cho phép TP. Hải Phòng nghiên cứu, tham khảo cơ chế, chính sách đặc thù của một số tỉnh, thành phố khác để xây dựng nghị quyết mới về một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, mang tính đột phá, tạo động lực phát triển Thành phố thời gian tới.
Chính sách phân cấp quản lý quy hoạch giúp Hải Phòng đưa khoảng 1.400 ha đất thuộc 3 khu công nghiệp trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải vào khai thác. Ảnh: Đông Giang
Chính sách phân cấp quản lý quy hoạch giúp Hải Phòng đưa khoảng 1.400 ha đất thuộc 3 khu công nghiệp trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải vào khai thác. Ảnh: Đông Giang

Xin ông chia sẻ một số kết quả Hải Phòng đạt được trong việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 35/2021/QH15?

Nhìn chung, các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm tại Nghị quyết số 35/2021/QH15 đã thực sự đi vào cuộc sống, cho thấy những kết quả tích cực, tạo sự chủ động cho Hải Phòng trong việc giải quyết một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; chính sách tăng thêm thu nhập được đảm bảo công khai, minh bạch..., tạo động lực và cơ chế huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách đã khuyến khích Hải Phòng tăng thu ngân sách nhà nước, vừa đóng góp vào ngân sách trung ương vừa có cơ sở hỗ trợ, bổ sung nguồn lực cho ngân sách Thành phố để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội về cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Việc tăng mức dư nợ vay của Thành phố được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công cả nước, trong tổng mức vay và bội chi ngân sách được Quốc hội quyết định đã tăng phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Thành phố trong việc thu hút, huy động và bổ sung vốn đầu tư để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Động viên, khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh đối với những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước từ một số ngành, lĩnh vực có tăng trưởng tốt, tạo dư địa nguồn lực tài chính bổ sung cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi của Thành phố.

Cơ chế, chính sách về quản lý đất đai tạo điều kiện cho Thành phố chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, đó là: rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục hành chính chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giảm chi phí thời gian, chi phí cơ hội đầu tư, sớm đưa dự án vào khai thác, đảm bảo tiến độ, hiệu quả kinh tế, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, dẫn dắt các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Chính sách này đã tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho Thành phố trong việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, động lực.

Cơ chế, chính sách về quản lý quy hoạch tạo sự chủ động cho Hải Phòng thúc đẩy sớm việc thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Chính sách này giúp đưa khoảng 1.400 ha đất công nghiệp thuộc phạm vi 3 khu công nghiệp trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải vào khai thác, thu hút được nhiều nhà đầu tư với các dự án quy mô lớn có giá trị gia tăng cao, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu cho ngân sách Thành phố.

Ngoài ra, cơ chế chính sách về tăng thêm thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tạo động lực thúc đẩy hiệu quả công tác, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong quá trình thực hiện các chính sách đặc thù có những hạn chế, vướng mắc, bất cập nào, thưa ông?

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng theo Nghị quyết số 35/2021/QH15 còn chậm hoặc chưa áp dụng.

Đơn cử, tính đến thời điểm hiện nay, mức dư nợ của Hải Phòng chỉ khoảng 26% mức dư nợ cho phép, không vay được hết hạn mức (không thực hiện được việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, chỉ vay lại từ nguồn Chính phủ đi vay để thực hiện các dự án). Như vậy, Thành phố chưa tận dụng được lợi thế đặc thù về mức dư nợ vay hàng năm theo quy định, phần nào hạn chế nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân dừng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương chủ yếu là do mức khung lãi suất thấp, không hấp dẫn các tổ chức tài chính, tín dụng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện dự án sử dụng vốn ODA vay lại gặp vướng mắc do giải ngân vốn ODA cấp phát và vay lại phải tương ứng, tuy nhiên, kế hoạch vốn ODA hàng năm cấp phát và vay lại không tương ứng; công tác giải phóng mặt bằng chậm; giá nguyên, vật liệu tăng đột biến, nguồn cung hạn chế; một số công việc như đấu thầu, mua sắm thiết bị, thẩm định, phê duyệt danh mục công trình… phải xin ý kiến nhà tài trợ trước khi triển khai nên tiến độ giải ngân chậm hoặc không giải ngân hết.

Để triển khai nội dung thí điểm áp dụng phí, lệ phí theo Nghị quyết số 35/2021/QH15, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu đề xuất thí điểm một số loại phí, lệ phí. Tuy nhiên, tính khả thi chưa cao, chưa phù hợp với tình hình thực tế nên chưa thực hiện được.

Ngoài ra, UBND TP. Hải Phòng giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tham khảo một số địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao để xây dựng “Đề án Một số cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân lực có chất lượng cao TP. Hải Phòng”. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Đề án chưa được trình HĐND Thành phố phê duyệt nên chính sách này chưa được thực hiện.

Từ thực tế triển khai, xin ông chia sẻ một số kinh nghiệm, kiến nghị để chính sách đặc thù mang lại kết quả tích cực hơn?

TP. Hải Phòng đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội về một số bài học để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 35/2021/QH15.

Thứ nhất, các bộ, cơ quan trung ương và đặc biệt là TP. Hải Phòng tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài của toàn Đảng, phải thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong quán triệt, triển khai thực hiện.

Thứ hai, các bộ, cơ quan trung ương và TP. Hải Phòng cần tăng cường tập trung củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức để đủ sức thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, khơi thông, huy động được các nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, các bộ, cơ quan trung ương và TP. Hải Phòng theo chức năng nhiệm vụ thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan theo thẩm quyền trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.

Trên cơ sở sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và xuất phát từ thực tiễn nhu cầu phát triển của TP. Hải Phòng, Chính phủ đang trình Quốc hội cho phép TP. Hải Phòng nghiên cứu, tham khảo một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua của Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác, nhất là về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, đô thị; tài nguyên và môi trường; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy; thu nhập cán bộ, công chức, viên chức; thành lập khu thương mại tự do thế hệ mới, để xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, tạo động lực phát triển TP. Hải Phòng.

Chuyên đề