Có cơ chế, Bình Dương sẽ sớm trở thành “siêu đô thị”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Động lực từ cơ chế đặc thù được ví như “làn gió mới” thúc đẩy nhiều địa phương bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy chưa nằm trong nhóm 10 địa phương được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, nhưng theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nếu có những cơ chế nói trên và các cơ chế mới khác, chắc chắn Bình Dương sẽ sớm trở thành một siêu đô thị của cả nước.
Đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Lê Tiên
Đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Lê Tiên

Trong bức tranh kinh tế - xã hội của Bình Dương còn không ít lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế, tiềm năng nhưng chưa phát triển tương xứng, ông nghĩ sao về đánh giá này?

Bình Dương là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, điều trăn trở lớn nhất của Bình Dương là kết quả đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp mặc dù đã được cải thiện đáng kể song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất cả về số lượng lẫn chất lượng. Thực tế, tỷ lệ nội địa hóa hiện mới đáp ứng được từ 40 - 45% cho dệt may, da giày; 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử, tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao…

Ông Võ Văn Minh

Ông Võ Văn Minh

Để ngành công nghiệp phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đặc biệt, với quyết tâm đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế, Bình Dương cam kết tạo cơ chế chính sách thông thoáng, hỗ trợ tối đa để DN đầu tư và phát triển bền vững.

Làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 29/9/2023, UBND tỉnh Bình Dương bày tỏ mong muốn có cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá. Nếu mong muốn đó thành hiện thực, Bình Dương hướng trọng tâm phát triển vào những ngành nghề, lĩnh vực nào?

Để thực hiện mục tiêu phát triển chung của vùng, Bình Dương cần không chỉ những cơ chế, chính sách đặc thù đã và đang triển khai ở một số tỉnh, thành như Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế..., mà còn cần những cơ chế mới giúp Bình Dương vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một siêu đô thị của cả nước. Trong đó, Tỉnh kiến nghị một số cơ chế, chính sách thuộc 3 nhóm sau:

Một là, nhóm chính sách về phân cấp, phân quyền cho địa phương, gồm các chính sách về điều chỉnh quy hoạch, quản lý rừng, đất lúa, đất đai và quản lý về đầu tư công.

Hai là, nhóm chính sách về tài chính, ngân sách: tăng mức dư nợ, bố trí hỗ trợ từ ngân sách trung ương, cho phép HĐND ban hành phí, lệ phí, cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi cho đầu tư.

Ba là, nhóm chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn đặc thù của từng địa phương, gồm phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại hoạt động theo mô hình phi thuế quan, khu trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ... Những chính sách này sẽ tạo điều kiện cho địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp hiện đại, ứng dụng triệt để thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời huy động vốn đầy đủ, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ từ nay đến năm 2030.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xin ông chia sẻ, định hướng và giải pháp từ phía địa phương để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này?

Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 xác định, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 2 quận. Theo đó, phương án phát triển đô thị dự kiến để Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải có 3 đơn vị hành chính cấp thành phố đạt tiêu chí cấp quận gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An; 2 đơn vị hành chính cấp thành phố như hiện nay: Bến Cát, Tân Uyên; dự kiến thành lập đô thị Bàu Bàng cấp thị xã; còn lại là 3 đơn vị hành chính cấp huyện: Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên.

Bình Dương đang tập trung tái cấu trúc không gian đô thị, phát triển đô thị theo hướng phân cấp với các đô thị vệ tinh như: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội các thành phố phía Nam như: đường Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tập trung nguồn lực xây dựng thành phố đạt tiêu chí đô thị loại I, là thành phố trực thuộc Tỉnh. Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; đến năm 2040 tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục Đông Tây, Bắc Nam, bao gồm các tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và các đầu mối giao thông tiếp cận vùng.

Nhu cầu đầu tư rất lớn, vậy kết quả thực tế giải ngân vốn đầu tư công tại Bình Dương những tháng đầu năm như thế nào, thưa ông?

Tính đến ngày 14/11/2024, Bình Dương đã giải ngân 7.399 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024, đạt 48,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này còn thấp so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Vừa qua, UBND Tỉnh đã phát động Kế hoạch 50 ngày đêm thi đua cao điểm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu đến ngày 31/1/2025 giải ngân trên 95% kế hoạch, trong đó tỷ lệ giải ngân các công trình trọng điểm không có vướng mắc đạt trên 80%.

Năm 2025, bên cạnh cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ các dự án chưa thật sự cấp bách, Bình Dương tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông, tạo sự lan tỏa lớn như: đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, khởi công đường Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phấn đấu hoàn thành Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13… Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 để trình HĐND Tỉnh thông qua tại kỳ họp cuối năm. Dự kiến năm 2025 Bình Dương được giao 18.692 tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó vốn ngân sách trung ương là 7.132 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 11.560 tỷ đồng.

Chuyên đề