Gói thầu xây trụ sở Tòa án quân sự Khu vực 1: Có hay không “rào cản” thiết bị?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu XL-02 Thi công xây dựng các hạng mục công trình thuộc Dự án Xây dựng trụ sở Tòa án quân sự Khu vực 1/Quân khu 5 đang được tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu. Theo kiến nghị của nhà thầu, yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu quy định trong hồ sơ mời thầu (HSMT) đang cao quá mức cần thiết so với quy mô, tính chất công việc mời thầu, gây khó cho nhà thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá 22,505 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 22/10 - 9/11/2024. Chủ đầu tư là Cục Chính trị/Quân khu 5, Công ty CP An Thanh Sơn làm bên mời thầu.

Ngày 4/11/2024, một nhà thầu đã có văn bản kiến nghị Chủ đầu tư và Bên mời thầu xem xét một số nội dung gây hạn chế khả năng tham gia của nhà thầu, có thể làm giảm tính cạnh tranh của Gói thầu. Cụ thể, về thiết bị thi công chủ yếu, HSMT yêu cầu huy động thiết bị cần trục tháp, tải trọng ≥ 25 tấn, số lượng 1 cái. Nhà thầu nhận định, Bên mời thầu yêu cầu huy động thiết bị này để phục vụ công tác: ván khuôn, cốt thép, xây gạch... Bởi theo định mức xây dựng ban hành theo Thông tư 12/2021/TT-BXD có công tác ván khuôn (mã hiệu AF.89141), cốt thép (mã hiệu AF.61711; AF.61721...), xây gạch (mã hiệu: AE.32122; AE.32222...) có sử dụng cần trục tháp 25T kết hợp một số thiết bị khác. Tuy nhiên, trên thực tế, để thi công các công tác này với chiều cao tầng từ 28 m trở xuống, các nhà thầu đều sử dụng cần trục tháp có tải trọng nặng từ 3 - 10 tấn. Trong khi đó, công trình đang xét chỉ cao không quá 21 m, thì việc yêu cầu cần trục tháp tải trọng ≥ 25 tấn là quá dư thừa, làm tăng chi phí cho nhà thầu. “Đây là loại cẩu có tải trọng rất lớn, thường được huy động sử dụng trong xây dựng cầu, thủy điện hay các công trình, dự án công nghiệp nặng như nhà máy xử lý rác, nhà máy nhiệt điện... Thực tế trên địa bàn tỉnh Bình Định không đơn vị nào sở hữu, trên phạm vi cả nước cũng chỉ có rất ít đơn vị sở hữu”, nhà thầu nhận định.

Ngoài ra, HSMT yêu cầu thiết bị máy ép cọc robot thủy lực tự hành, lực ép ≥ 860 tấn. Theo phân tích của nhà thầu, có thể Bên mời thầu yêu cầu huy động thiết bị này để phục vụ công tác: ép cọc ống bê tông cốt thép dự ứng lực... Tuy nhiên, theo hồ sơ thiết kế, công trình sử dụng móng cọc dự ứng lực PC D350 loại A, hạ cọc bằng robot kết hợp khoan dẫn với đường kính lỗ khoan D=20cm, sức chịu tải của cọc theo tính toán lý thuyết Ptt = 70 tấn, lực ép Pmin = 140 tấn, lực ép Pmax = 180 tấn. Với tính toán này, Nhà thầu chỉ ra rằng, việc yêu cầu máy ép cọc robot thủy lực tự hành với lực ép ≥ 860 tấn là quá mức cần thiết, là hành vi dẫn đến hạn chế cạnh tranh theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu. “Chúng tôi đề nghị Bên mời thầu xem xét và có phương án hợp lý điều chỉnh các vấn đề đã nêu”, nhà thầu kiến nghị.

Phúc đáp nhà thầu ngày 6/11/2024, Bên mời thầu bảo lưu HSMT với lý do, dự toán xây dựng công trình được lập dựa trên định mức của Thông tư 12/2021/TT-BXD và đã được thẩm định, phê duyệt. Căn cứ vào dự toán, quy mô, đặc điểm, yêu cầu về kỹ thuật của công trình, các loại máy móc, thiết bị trên là những thiết bị chủ yếu, tối thiểu và bắt buộc phải có để phục vụ thi công nhằm tối ưu về chất lượng, tiến độ thi công. Trong trường hợp không có các loại máy móc, thiết bị này, nhà thầu có thể đi thuê hoặc liên danh để đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Mở rộng khảo sát của Báo Đấu thầu cho thấy, tại loạt công trình dân dụng cấp III trở lên có quy mô tương tự, thậm chí lớn hơn gói thầu đang xét, HSMT yêu cầu các loại thiết bị có công suất thấp hơn. Đơn cử, tại Gói thầu Thi công xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa (221 tỷ đồng), HSMT yêu cầu máy ép cọc ≥ 200 tấn; Gói thầu Xây dựng mới trụ sở làm việc Tòa án nhân dân huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (36 tỷ đồng) yêu cầu máy ép cọc ≥ 135 tấn; hay tại Gói thầu Xây dựng mới trụ sở làm việc Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang (131 tỷ đồng), HSMT cũng chỉ yêu cầu huy động cần trục tháp ≥ 1,2 tấn, máy ép cọc robot thủy lực - lực ép ≥ 600 tấn...

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số đơn vị tư vấn đấu thầu cho rằng, các bất cập trong yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu do chênh lệch giữa định mức chuyên ngành và thực tiễn vận dụng lập, thẩm định dự toán. Do đó, khi xây dựng tiêu chí mời thầu, các chủ đầu tư, bên mời thầu cần tính toán nhu cầu thực tế, chỉ đưa ra những yêu cầu tối thiểu nhằm tạo thuận lợi cho nhà thầu tham dự. Trong trường hợp yêu cầu về thiết bị thi công bị lạm dụng quá mức cần thiết so với quy mô, tính chất công việc mời thầu, có thể sẽ làm phát sinh nhiều hệ lụy cho các bên.

Chuyên đề