Cần Thơ cần thêm thời gian để thẩm thấu cơ chế đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 (Nghị quyết 45) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ khiến kết quả sau gần 3 năm không như kỳ vọng. Một số chính sách chậm được thể chế hóa, chưa phát huy hiệu quả, một số cơ chế chưa đủ điều kiện để triển khai. Cần Thơ kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế để tạo động lực cho địa phương hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược.
Nghị quyết số 45/2022/QH15 cho phép áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Tiên
Nghị quyết số 45/2022/QH15 cho phép áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Tiên

Chưa tương xứng kỳ vọng

6 cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 45 về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, tài chính ngân sách, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho 2 dự án trọng điểm nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển TP. Cần Thơ trở thành “trái tim” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đánh giá, với chính sách quản lý đất đai và quản lý quy hoạch, điểm nổi bật nhất là Thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện chính sách này đã rút ngắn thời gian, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, tạo điều kiện cho Cần Thơ chủ động và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, các điều kiện đảm bảo về quy hoạch, tạo môi trường thông thoáng thu hút các dự án động lực phát triển Thành phố.

Hiện có 2 cơ chế, chính sách đang trong giai đoạn thực hiện. Thứ nhất là cơ chế thưởng vượt thu ngân sách trung ương, UBND Thành phố đã ban hành các chỉ thị tăng cường công tác thu thuế; điều hành thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm góp phần đạt mục tiêu thu vượt dự toán ngân sách trung ương giao, làm cơ sở có thêm nguồn lực từ chính sách này để đầu tư các dự án quan trọng. Thứ hai là cơ chế vay với tổng mức dư nợ không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, Cần Thơ đã phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024. Đề án đã được Bộ Tài chính cho ý kiến vào tháng 4/2024. Trên cơ sở đó, Thành phố đang hoàn thiện Đề án để làm cơ sở phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2025. Thành phố cũng đã đề xuất các dự án hưởng cơ chế vay lại từ Chương trình chính sách phát triển (DPO), gồm: Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C (đoạn qua TP. Cần Thơ) với tổng mức đầu tư hơn 8.780 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, khâu tổ chức thực hiện một số chính sách, cơ chế đặc thù kéo dài, cần có thêm thời gian. Đơn cử, với việc tham mưu ban hành mức thu phí, lệ phí, cơ quan chuyên môn rà soát cụ thể, xác định các khoản thu có thể thực hiện, tham mưu UBND trình HĐND Thành phố ban hành các nghị quyết khi đủ điều kiện. Trước mắt, Cần Thơ xem xét 2 đề án gồm: Đề án quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường không vào mục đích giao thông; Đề án quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng mặt bằng công viên, quảng trường trên địa bàn Thành phố để tổ chức sự kiện, dịch vụ vào mục đích kinh doanh.

Đối với chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP. Cần Thơ quản lý, chính sách này đòi hỏi Thành phố phải tự cân đối ngân sách và đảm bảo nhiều điều kiện khác. Do đó, Thành phố đã thống nhất chủ trương chưa thực hiện, sẽ triển khai vào thời điểm thích hợp, bảo đảm sát với nguồn lực, điều kiện của địa phương.

Nghị quyết 45 cho phép áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với Dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ (Dự án luồng Định An) và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Trung tâm nông sản Cửu Long) tại Cần Thơ. Cụ thể, Dự án luồng Định An được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, doanh nghiệp thực hiện được ưu đãi đầu tư như thu nhập của doanh nghiệp áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp 9 năm tiếp theo, miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét.

Doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm nông sản Cửu Long được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi đáp ứng các điều kiện; áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và các ưu đãi về tiền thuê đất.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, lãnh đạo TP. Cần Thơ cho biết, Thành phố đã chủ động phối hợp với các địa phương liên quan và một số doanh nghiệp khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án luồng Định An. Ngày 16/9/2024, Bộ Giao thông vận tải có văn bản thông báo UBND TP. Cần Thơ là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án. UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác chuẩn bị để triển khai Dự án trong những năm tiếp theo.

Với Trung tâm nông sản Cửu Long, Cần Thơ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng Đề án thành lập Trung tâm và trình Thủ tướng vào tháng 9/2024. Cần Thơ đang phối hợp với Bộ NN&PTNT giải trình ý kiến của Bộ Tư pháp về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án.

Cần giải pháp hữu hiệu biến cơ chế thành động lực

Dù đạt được một số kết quả, nhưng qua gần 3 năm triển khai, TP. Cần Thơ nhận diện nhiều khó khăn, vướng mắc. UBND Thành phố đánh giá, vẫn còn một số chính sách chậm được thể chế hóa, chưa phát huy hiệu quả. Một số cơ chế, chính sách chưa đủ điều kiện để triển khai thực hiện. Đơn cử, trong áp dụng cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, Thành phố được kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét thưởng vượt thu ngân sách trung ương so với dự toán năm 2022. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không thống nhất sau khi rà soát các quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hoặc chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa đủ điều kiện để triển khai; việc chuẩn bị tổ chức thực hiện một số nội dung khác chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian, chậm phát huy hiệu quả.

Ông Trần Việt Trường cho biết, Cần Thơ đang tập trung chỉ đạo nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các đơn vị được giao chủ trì, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù; phát huy hơn nữa hiệu quả của các chính sách đặc thù đang triển khai thực hiện về quản lý tài chính, ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với Dự án luồng Định An, Trung tâm nông sản Cửu Long.

“Thành phố đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tham mưu Chính phủ báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 45. Ngày 6/11/2024, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo này. Trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện, Thành phố kiến nghị sửa đổi, bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn trong tình hình mới, tạo điều kiện có thêm nguồn lực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Trường nói.

Chuyên đề