VAMC vẫn chưa phải là giải pháp xử lý nợ xấu một cách triệt để. Ảnh: NC st |
Tuy nhiên, một vấn đề vẫn đang thường trực và chưa có lời giải đáp là khối lượng lớn nợ xấu mà VAMC mua được thời gian qua sẽ được xử lý ra sao?
Mới dừng lại ở gom nợ xấu
PGS. TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, hiện có 2 luồng ý kiến liên quan đến xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Luồng thứ nhất, nhiều người đánh giá rất cao việc xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua thành lập VAMC và đạt được những thành tựu nhất định. Những nhà quản lý hoặc chuyên gia khác lại cho rằng, việc xử lý nợ xấu như vậy chưa thực sự triệt để, thậm chí chỉ mang tính kỹ thuật.
Ông Đặng Ngọc Đức cho rằng, cả 2 quan điểm nêu trên đều có cơ sở. Thứ nhất, có thể thấy rõ nợ xấu đã giảm xuống dưới 3%, đạt được mức thông lệ quốc tế cho phép. Thứ hai, giữ được cho hệ thống ngân hàng ổn định, tránh nguy cơ đổ vỡ hàng loạt. Đấy là những thành tựu không thể không nhắc đến trong công cuộc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian qua.
Tuy nhiên, với luồng quan điểm thứ hai, ông Đức cho rằng, cũng không phải không có cơ sở. Trên thực tế, VAMC vẫn chưa có bất kỳ hoạt động nào trong việc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước thời gian qua. Hiệu quả của việc xử lý nợ xấu là phải biến số nợ xấu đó thành “tiền tươi, thóc thật” và trả lại cho các ngân hàng để cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay mới dừng lại ở gom nợ xấu vào VAMC và các nhà điều hành đang tìm cách để giải quyết khối nợ đó.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, trong điều kiện như hiện nay, VAMC chưa có khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, chưa có thị trường mua bán nợ phát triển; sản xuất, kinh doanh chưa có sự phục hồi mạnh mẽ. Do đó, VAMC chưa thể trở thành giải pháp tối ưu để có thể xử lý nợ xấu một cách triệt để.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC từng chia sẻ, VAMC nếu được cho tiền thật nhưng với cơ chế như hiện nay thì cũng không xử lý hết được nợ. Lý do ông Hùng đưa ra là chưa có thị trường mua bán nợ. Cùng với đó, đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định của pháp luật.
Mở đường cho nhà đầu tư nước ngoài
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngân sách nhà nước không thể bỏ ra để xử lý nợ xấu, cho nên cần tìm mọi cách củng cố và hoàn chỉnh môi trường pháp lý để nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu. Đây là con đường tốt nhất.
Ông Cao Sỹ Kiêm phân tích, sở dĩ các nhà đầu tư nước ngoài không vào được là do chưa có chính sách hoàn thiện, đồng thời do tài sản chưa có tính pháp lý cao, còn nhiều tranh chấp, nên nhà đầu tư không dám mua lại. Đây là điều khó và phải nỗ lực lớn nhưng là lối thoát khả thi. Cùng với đó, cần có một chính sách, cơ chế tổng thể hơn với sự phối hợp của nhiều đầu mối cơ quan khác nhau, bởi VAMC mua được nợ xấu, nhưng không xử lý được tài sản bảo đảm, thì nợ xấu cũng chỉ để “thờ” mà không giải quyết được triệt để.
Cùng quan điểm này, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia hiến kế, cần có các chính sách tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững nhằm giúp hệ thống tổ chức tín dụng có khả năng sinh lời cao hơn, từ đó có nguồn lực xử lý nợ xấu.
Ở góc độ khác, PGS.TS Đặng Ngọc Đức lại cho rằng, nên phát hành trái phiếu chính phủ ở hình thức đặc biệt, tại một đợt đặc biệt thông qua phiếu nợ chuyển đổi và những cam kết mang tính trách nhiệm của các doanh nghiệp vốn đang sở hữu nợ xấu để có sự hoàn trả trong tương lai.
Không mua nợ xấu về để đấy
Mặc dù con đường dọn nợ xấu đến thời điểm này chưa quang, tuy nhiên ông Nguyễn Quốc Hùng vẫn khẳng định, VAMC mua nợ xấu về không phải để đấy. Từ năm 2016, VAMC xác định thực sự phải tự đi trên chính đôi chân của mình, do toàn bộ nợ xấu của từng tổ chức tín dụng đã về mức cho phép là 3% và NHNN sẽ không cần phải yêu cầu các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC.
Sau thời gian tập trung mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đặt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào việc xử lý nợ và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh.
Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục mua nợ xấu nội bảng và ngoại bảng theo giá thị trường, VAMC sẽ xây dựng được chiến lược mua bán nợ xấu trên cơ sở phân loại các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt để thực hiện mua đứt theo giá trị thực tế.
Đồng thời, tham gia góp vốn, chuyển nợ thành vốn góp để tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất. Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng để tham gia tái cấu trúc.