Lãi suất vay vốn trong xu hướng tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu tháng 11 đến nay, một số ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, thị trường liên ngân hàng cũng chứng kiến xu hướng lãi suất tăng mạnh. Giới phân tích nhận định, động thái bơm hút tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để bảo đảm ổn định tỷ giá, xu hướng nợ xấu tăng cao và các tổ chức tín dụng tăng cường huy động vốn khiến lãi suất huy động có xu hướng tăng, lãi suất cho vay theo đó cũng có thể phải thay đổi.
Tính từ đầu tháng 11 đến nay, khoảng 10 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1% đến 0,3%. Ảnh: Song Lê
Tính từ đầu tháng 11 đến nay, khoảng 10 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1% đến 0,3%. Ảnh: Song Lê

Ngày 20/11, Ngân hàng Nam Á Bank công bố tăng lãi suất kỳ hạn 24 tháng từ mức 5,8%/năm lên 6%/năm với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Trước đó, ngày 19/11, HDBank tăng lãi suất 0,2%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 0,1%/năm kỳ hạn 12 - 13 tháng; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, khoảng 10 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1% đến 0,3%.

Trên thị trường liên ngân hàng, số liệu mới nhất được NHNN công bố, từ ngày 4 - 8/11/2024, với các giao dịch bằng VND, lãi suất các kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh từ 1,24% đến 2,32% so với tuần trước đó. Trong đó, lãi suất qua đêm đã lên mức 5,15%, lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,3%.

Về lãi suất cho vay, thống kê gần nhất của NHNN trong tháng 9/2024 cho biết, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9,1%/năm.

Khảo sát từ một số NHTM cho thấy, lãi suất cho vay nhích tăng từ giữa tháng 10, với mức tăng phổ biến từ 0,1 - 0,15%, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6,5 - 7%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 9 - 11%/năm.

Biến động lãi suất huy động phản ánh thực tế cung cầu tiền tệ. Các NHTM đang ở cao điểm của mùa kinh doanh cuối năm và cũng là giai đoạn nước rút để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, do đó họ cần nguồn vốn lớn.

Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, những ngày đầu tháng 11/2024, thị trường ghi nhận mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng tăng; đồng thời tỷ giá USD/VND trong vài tuần vừa qua cũng tăng trở lại.

Khi tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh, cơ quan quản lý đã phát hành tín phiếu hút bớt lượng thanh khoản dư thừa ra khỏi thị trường nhằm giảm áp lực tỷ giá. Đến cuối ngày 4/11, số dư phát hành tín phiếu khoảng 80 nghìn tỷ đồng (kênh hút) trong khi số dư bơm thanh khoản qua thị trường mở là 50 nghìn tỷ đồng (kênh bơm). Như vậy, cơ quan quản lý đã và đang sử dụng hài hòa các công cụ ổn định thị trường và cho thấy chưa có tình trạng thiếu hụt thanh khoản trên thị trường.

UOB dự báo cơ quan quản lý sẽ chưa điều chỉnh các mức lãi suất chính sách (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động) và sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt các mức lãi suất can thiệp thương mại (lãi suất phát hành tín phiếu, lãi suất thị trường mở) để giữ mặt bằng huy động ngắn hạn 3 tháng quanh mức 3 - 4%/tháng và dài hạn 12 tháng ở mức 5 - 6%/tháng.

Cùng quan điểm, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, đối mặt với áp lực tỷ giá tăng trở lại, NHNN đã phát hành tín phiếu trở lại vào phiên ngày 18/10 sau gần hai tháng tạm ngưng. Việc NHNN thực hiện song song hai nghiệp vụ phát hành tín phiếu và bơm vốn qua thị trường mở nhằm phục vụ mục tiêu kép khi vừa giúp bảo đảm thanh khoản hệ thống ngân hàng để duy trì mức lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.

Lãi suất qua đêm từ mức 4% vào hồi đầu tháng 10 đã giảm mạnh về mức 2,7% - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2024. Tuy vậy, sau động thái phát hành tín phiếu của NHNN, lãi suất qua đêm đã tăng trở lại. MBS cho rằng, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam. MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1% - 5,2% vào cuối năm 2024.

Lãi suất huy động của các nhóm ngân hàng (%/năm) - Báo cáo tiền tệ của CTCK MBS
Lãi suất huy động của các nhóm ngân hàng (%/năm) - Báo cáo tiền tệ của CTCK MBS

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, biến động lãi suất huy động phản ánh thực tế cung cầu tiền tệ. Các NHTM đang ở cao điểm của mùa kinh doanh cuối năm và cũng là giai đoạn nước rút để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, do đó họ cần nguồn vốn lớn. Trong khi đó, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng bị thu hẹp do NHNN có động thái điều tiết thanh khoản để ổn định tỷ giá, đồng thời, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng cao khiến nguồn vốn cho vay chưa thu hồi được lại phải trả lãi cho các khoản đến hạn. Tuy nhiên, với các giải pháp điều hành của NHNN, biến động trên thị trường lãi suất ở mức độ vừa phải.

Từ nay đến cuối năm, theo ông Linh, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng song khó tăng đột biến vì NHNN thể hiện rõ mục tiêu bảo đảm thanh khoản cho hệ thống bằng các biện pháp theo nghiệp vụ thị trường mở. Xu hướng tăng lãi suất huy động có thể còn tiếp tục kéo dài đến năm sau bởi các ngân hàng sẽ cần nguồn vốn lớn để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về lãi suất cho vay, theo ông Linh, lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất cho vay khó có thể đứng yên, song mức tăng lãi suất cho vay sẽ được các ngân hàng kiểm soát như thời gian qua bằng việc tiết giảm chi phí. Mặt khác, NHNN sẽ tiếp tục triển khai chương trình tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên ở mức hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đúng trọng tâm, trọng điểm.

Tỷ giá và nợ xấu cũng là hai yếu tố được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhắc đến để lý giải về biến động lãi suất gần đây. Trong đó, mục tiêu giảm lãi suất gặp khó khăn, nếu giảm lãi suất quá sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể sẽ gây ra những bất ổn tâm lý.

Về nợ xấu, số liệu NHNN tổng hợp cho thấy, đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, gần bằng mức của cuối năm 2023, nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022. Theo Thống đốc NHNN, với xu hướng nợ xấu tăng, rất khó để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

“Tuy nhiên, trong điều hành thời gian vừa qua NHNN đã thực hiện rất nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa là giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhưng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn nền kinh tế chịu tác động bởi Covid-19. Đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực tài chính của mình giảm khoảng từ 50.000 đến 60.000 tỷ đồng lãi suất cho các khách hàng”, bà Hồng cho biết.

Chuyên đề