Bài toán mới với thị trường tài chính Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ cùng với chiến lược áp thuế quan rộng rãi đối với hàng nhập khẩu được dự báo làm tăng áp lực lạm phát của Mỹ, khiến lãi suất duy trì ở mức cao. Từ đó, đẩy tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng, tạo áp lực cho công tác điều hành tỷ giá và rủi ro dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Đây là những bài toán mới với thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam.
Tỷ giá USD/VND. Nguồn: Bloomberg, MBS Research
Tỷ giá USD/VND. Nguồn: Bloomberg, MBS Research

Ngay sau khi ông Donald Trump tái đắc cử, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, nhưng chỉ số DXY - thước đo sức mạnh của đồng USD so với một “rổ” đồng tiền mạnh khác - tiếp tục tăng. Ngày 21/11, chỉ số này lên mức hơn 106,5 điểm - mức cao nhất tính từ tháng 11/2023 đến nay.

Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, ước tính của giới phân tích cho thấy khoảng 41% khả năng FED sẽ giữ nguyên phạm vi lãi suất ở mức 4,50 - 4,75% tại cuộc họp trong tháng 12 do lo ngại những chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng khiến lạm phát bùng phát trở lại và buộc FED phải duy trì chính sách thắt chặt trong thời gian dài hơn. Những yếu tố này sẽ củng cố đà tăng của đồng USD. Trong ngắn hạn, USD mạnh hơn sẽ làm tăng rủi ro giảm giá cho VND. Bên cạnh đó, MBS cho rằng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức thấp, khoảng 87 tỷ USD (chỉ cao hơn 2 tháng nhập khẩu), sẽ gây nhiều khó khăn trong việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đồng tình với quan điểm tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, song PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, NHNN có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với biến động của đồng USD và đã thực hiện các biện pháp linh hoạt và hiệu quả trong thời gian qua. Mặt khác, dự trữ ngoại hối có xu hướng tăng nhờ xuất khẩu, kiều hối, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới. Do đó, có thể tin tưởng NHNN sẽ kiểm soát được biến động này theo hướng ít tác động bất lợi nhất với thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu Chính quyền của ông Donald Trump thực thi các chính sách thúc đẩy nền kinh tế bằng các biện pháp bảo hộ cực đoan, chẳng hạn tăng thuế quan, giảm lao động nhập cư sẽ làm giá cả hàng hóa tăng lên, đẩy lạm phát cao, từ đó, khiến FED có thể xoay chiều chính sách sang thắt chặt, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Thực tế, tỷ giá USD/VND đang duy trì xu hướng tăng sau khi ông Donald Trump thắng cử. “Với biến động USD/VND như vậy, có thể thấy NHNN đang cố gắng điều tiết trên thị trường tiền tệ để giảm đà tăng. Song, giải pháp này phải đối mặt với khả năng bị đưa vào danh sách giám sát về thao túng tiền tệ”, ông Hiếu đánh giá.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 16/11/2024, Bộ Tài chính Mỹ công bố Báo cáo bán niên về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ”. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam và tiếp tục xác định “không thao túng tiền tệ”.

Trong kỳ báo cáo trước đây, Việt Nam và 7 nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Đức, trong “danh sách giám sát” khi có 2 tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.

Về báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, NHNN cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để duy trì hợp tác chặt chẽ và thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên, có hiệu quả với Bộ Tài chính Mỹ, qua đó tăng cường hiểu biết, chia sẻ thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh mà hai bên cùng quan tâm.

Theo ông Hiếu, dù nhận được đánh giá tích cực từ Bộ Tài chính Mỹ mới đây, song cơ quan điều hành cần theo dõi chặt chẽ biến động trên thị trường ngoại hối, đặc biệt là kiểm soát tình trạng đầu cơ ngoại tệ trên thị trường tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác can thiệp tỷ giá hiệu quả.

Ở khía cạnh khác, theo ông Hiếu, nếu các chính sách của ông Donald Trump phát huy hiệu quả tích cực, nhận được lòng tin của giới tài chính sẽ thúc đẩy cổ phiếu của doanh nghiệp Mỹ tăng, tạo đà cho thị trường chứng khoán khởi sắc. Trong trường hợp đó, sẽ có rủi ro về việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp ra khỏi thị trường Việt Nam.

“Để giữ chân dòng vốn ngoại ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời thúc đẩy để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm sau”, vị chuyên gia này nhận định.

Chuyên đề