Chủ động ứng phó với biến động tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồng USD tiếp tục tăng giá trên thị trường thế giới, đẩy tỷ giá USD/VND lên mức cao kỷ lục. Biến động này làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong nước, thậm chí có thể dẫn đến rủi ro nhập khẩu lạm phát trong thời gian tới. Bối cảnh tỷ giá tăng đòi hỏi cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp cần có giải pháp kịp thời, hiệu quả để giữ vững sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp sức ổn định kinh tế vĩ mô.
Tỷ giá USD/VND bật tăng trở lại kể từ đầu tháng 10/2024 dưới áp lực tăng giá mạnh mẽ của đồng USD. Ảnh: Lê Tiên
Tỷ giá USD/VND bật tăng trở lại kể từ đầu tháng 10/2024 dưới áp lực tăng giá mạnh mẽ của đồng USD. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 14/11, giá USD được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chào bán ở mức 25.504 đồng, tăng gần 4,4% so với mức giá đầu năm 2024 và tăng 3% tính từ đầu tháng 10 đến nay. Như vậy, sau khi giảm nhiệt trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, tỷ giá USD/VND đã bật tăng trở lại dưới áp lực tăng giá mạnh mẽ của đồng USD kể từ đầu tháng 10. Sự mất giá của đồng VND không chỉ do ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài mà còn bởi nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng.

Về yếu tố bên ngoài, tỷ giá USD/VND tăng theo đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới. Đồng USD tăng mạnh sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chia sẻ một số quan điểm chính sách, khiến nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, đồng USD sẽ còn tiếp tục tăng. Các tổ chức tài chính lớn như JPMorgan Chase & Co., Goldman Sachs Group Inc., Citigroup Inc…. đều dự đoán đồng bạc xanh sẽ tiếp tục tăng giá.

Về các yếu tố trong nước, nhu cầu ngoại tệ tăng vọt trong tháng 10 và đầu tháng 11 khi nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh việc nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ mùa sản xuất cuối năm. Đây là một tác nhân khiến USD tăng giá. Bên cạnh đó, các nghĩa vụ trả nợ quốc tế trị giá khoảng 1 tỷ USD cũng khiến nhu cầu mua USD của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tăng cao trong thời gian gần đây.

Số liệu thống kê của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tháng 10, KBNN đã chào mua USD từ các ngân hàng thương mại với khối lượng tối đa 940 triệu USD, qua đó, nâng tổng khối lượng USD được mua từ đầu năm lên gần 1,3 tỷ USD. Thực tế này khiến nguồn cung ngoại tệ bị thắt chặt, gây thêm áp lực lên tỷ giá. Trong bối cảnh đó, vào ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo về việc nối lại hoạt động bán ngoại tệ để can thiệp tại tỷ giá USD/VND ở mức 25.450 đồng, nhằm xoa dịu tâm lý thị trường và kiềm chế đà mất giá của đồng nội tệ.

Nhóm nghiên cứu của MBS nhận định, áp lực tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt do đợt biến động vừa qua chủ yếu chịu tác động của yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chu kỳ giảm lãi suất và các biện pháp can thiệp kịp thời của NHNN cũng sẽ hỗ trợ kiềm chế áp lực tỷ giá gia tăng. MBS dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 24.800 - 25.000 đồng/USD vào cuối năm 2024, được hỗ trợ bởi những yếu tố như: thặng dư thương mại tích cực (10 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 23,3 tỷ USD), dòng vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng và dòng kiều hối chảy về Việt Nam.

Doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ mùa sản xuất cuối năm là một tác nhân khiến USD tăng giá. Ảnh: Nhã Chi

Doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ mùa sản xuất cuối năm là một tác nhân khiến USD tăng giá. Ảnh: Nhã Chi

Về phía các doanh nghiệp, đà tăng mạnh của tỷ giá USD/VND tạo thêm thách thức trong quản lý hiệu quả kinh doanh. Giám đốc một doanh nghiệp thép cho biết, mỗi năm, ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 11 tỷ USD nguyên vật liệu, trong khi xuất khẩu chỉ khoảng 1,4 tỷ USD. Tỷ giá tăng khiến giá thành sản xuất tăng mạnh, trong khi giá bán không thể tăng tương xứng do nhu cầu của thị trường đang yếu. Do đó, tỷ giá USD/VND càng tăng thì doanh nghiệp càng lỗ nặng. Để ứng phó, giám đốc doanh nghiệp này cho biết, những năm trước có sử dụng biện pháp mua kỳ hạn USD để phòng vệ biến động tỷ giá, song biện pháp này không hiệu quả trong năm nay do chi phí mua kỳ hạn cũng rất cao.

“Đây không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp thép mà còn là khó khăn của nhiều doanh nghiệp khác. Nguyên liệu nhập khẩu giá cao thì sản phẩm có giá thành cao, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chúng tôi rất mong NHNN có các biện pháp can thiệp kịp thời để giữ ổn định tỷ giá ở mức hợp lý”, vị giám đốc doanh nghiệp chia sẻ.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, về nguyên tắc, đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp, thậm chí có thể gây nên tình trạng nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp kịp thời của NHNN trong thời gian qua khiến mức tăng tỷ giá không quá mạnh so với các đồng tiền khác. Trong thời gian tới, nếu đồng USD tiếp tục đà tăng, NHNN cần có các biện pháp can thiệp mạnh hơn, đồng thời phải tính đến khoảng cách chênh lệch giữa tỷ giá của thị trường chính thức và thị trường chợ đen, có giải pháp hạn chế tình trạng đầu cơ, gây bất ổn thị trường.

Bên cạnh các biện pháp từ NHNN, theo ông Thịnh, các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với biến động tỷ giá bằng cách cân đối tỷ trọng các đồng tiền thanh toán, điều chỉnh kế hoạch và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như: đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác với ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại ưu đãi, trích lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá, hay đẩy mạnh thanh toán trước hạn các khoản vay ngoại tệ, đặc biệt là khoản vay USD.

Liên quan đến chính sách điều hành tỷ giá, trả lời chất vấn trên nghị trường Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường tiền tệ quốc tế đang biến động rất phức tạp. Sau khi tăng lãi suất trong thời gian khá dài, Fed và một số ngân hàng trung ương đang ở trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng USD có thời gian giảm mạnh, song lại tăng mạnh trở lại. Theo Thống đốc, việc ổn định thị trường ngoại hối trong nước rất khó khăn bởi việc này không chỉ phụ thuộc vào cung cầu thực mà còn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý và kỳ vọng. Tức là, khi kỳ vọng giá lên thì các tổ chức có ngoại tệ không bán hoặc khi chưa cần ngoại tệ thì đã mua nên rất thách thức đối với việc điều hành.

“Quan điểm của NHNN là điều hành tỷ giá theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường. NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu”, bà Hồng nhấn mạnh.

Tính đến cuối tháng 9/2024, Công ty CP Tập đoàn PC1 có 4 khoản vay bằng USD được tài trợ bởi Asian Development Bank, Export Finance Australia và Japan International Cooperation Agency, tổng giá trị ghi nhận trên báo cáo tài chính là hơn 3.698 tỷ đồng, tức khoảng 150 triệu USD. Khoản vay này dùng tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo.

Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương cũng đang vay bằng USD với tổng giá trị đến cuối tháng 9/2024 là hơn 2.879 tỷ đồng, tức khoảng 116,3 triệu USD. Vingroup ghi nhận khoản vay ngoại tệ có giá trị khoảng 60.322 tỷ đồng, tức khoảng 2,438 tỷ USD. Một số doanh nghiệp khác có khoản vay bằng USD đáng kể, như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 3, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa…

Chuyên đề