Lo đà phục hồi chưa vững chắc...
Theo TS. Trần Đình Thiên, xu hướng phục hồi kinh tế trong vài năm qua là khá rõ và vững chắc, bên cạnh đó, mặc dù cơ hội đối với các hiệp định thương mại tự do gắn với hội nhập là tích cực, tuy nhiên cũng có nhiều hệ lụy khi năng lực hoạt động của khu vực trong nước chưa được cải cách một cách rõ ràng, môi trường kinh tế vĩ mô cải thiện không như kỳ vọng.
“Mở cửa mạnh nhưng DN yếu thì lại là điểm bất lợi khi phải đương đầu với sức ép cạnh tranh lớn hơn. Chúng ta có được lợi thế là yếu tố đầu tư nước ngoài, nhưng tôi nhấn mạnh, vấn đề nội lực trong nước vốn có vai trò quyết định thì vô cùng khó khăn”, ông Thiên lo ngại.
Bên ngoài, tình hình quốc tế cũng có nhiều bất ổn. Kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng xấu đi. Điều đó ảnh hưởng rất mạnh tới kinh tế Việt Nam ở góc độ giá cả chứng khoán, tiền tệ; hàng hóa dư thừa tràn sang Việt Nam...
Bởi vậy, theo ông Thiên, cần tạo nền tảng ổn định vĩ mô về lâu dài; ổn định bộ máy lãnh đạo mới để tập trung nhiều hơn cho các vấn đề dài hạn, tạo nền tảng cho dài hạn, đặc biệt là những chương trình tái cơ cấu ở tầm ứng phó với hội nhập và những tác động tiêu cực ở bên ngoài. “Điều này càng sớm được ngày nào càng tốt mức ấy”, TS. Thiên khuyến nghị.
...ngại nợ xấu ngân hàng
Với hệ thống ngân hàng, mặc dù thời gian qua đã được cải cách khá quyết liệt, tạo ra niềm tin lớn trong người dân và xã hội, tuy nhiên, TS. Thiên cho rằng, thực tế còn tồn dư nhiều vấn đề.
“Bản thân các ngân hàng đã giải quyết được một số vấn đề quan trọng, nhưng thực lực còn rất yếu, như nợ xấu còn tồn tại nhiều và đó là lý do khiến câu chuyện lãi suất huy động và cho vay mãi không xử lý xuống thấp được, trong khi lạm phát đã duy trì ở mức thấp một thời gian dài”, TS. Thiên nói.
Theo ông, mặc dù báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết là việc xử lý nợ xấu rất hiệu quả, nhưng cần phải hiểu là không một quốc gia nào có thể xử lý nợ xấu nhanh được. “Định lượng được nợ xấu rất khó với các con số khác nhau bên cạnh chuẩn mực đo đếm là một vấn đề. Ngoài ra, rất ít ngân hàng muốn công bố con số nợ xấu cụ thể vì để con số nợ xấu ít còn hoạt động được... Do vậy, ngay cả việc rà soát cho đúng nợ xấu không thể ngày một, ngày hai”, ông Thiên nhấn thêm.
Thực tế cũng đã chứng minh, xác định đúng, đủ nợ xấu đã là một việc khó, xử lý dứt điểm lại càng không hề dễ dàng khi mà ở Việt Nam vẫn chưa có thị trường mua bán nợ. Do đó, nợ xấu mới chủ yếu được “gom” vào Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) rồi sau ngân hàng xử lý được bao nhiêu thì xử lý.
Với thực trạng như vậy, chắc chắn phải chấp nhận câu chuyện xử lý nợ xấu là bài toán có thể kéo dài. Cách thức khả dĩ là phải tạo nền tảng để VAMC có cấu trúc mạnh, tiềm lực tài chính lớn và có đủ quyền mua nợ - mua thật để có quyền bán nợ thật. Nhưng thật không dễ có một VAMC như vậy.
“Ngoài ra, với thực trạng DN nhỏ, yếu như hiện nay trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập, nguy cơ nợ xấu là vấn đề “tự sinh” hơn là “tự giải” dự báo nợ xấu sẽ còn gia tăng có vẻ đáng tin hơn. Cá nhân tôi tin rằng, các ngân hàng đã xử lý được một khối lượng nợ xấu đáng kể nhưng với các tồn tại nêu trên, khó có thể khẳng định chắc chắn về xu hướng giảm nhanh của nợ xấu… Tất cả những khó khăn này cần một cách nhìn thật bình tĩnh, có giải pháp bài bản, hệ thống, với một bản lĩnh vững vàng”, TS. Thiên nhấn mạnh.