Nợ xấu vẫn là điểm nóng trong mùa đại hội ngân hàng

“Cú sốc” trích lập dự phòng gần 1.000 tỷ đồng quý IV của Eximbank đã “hô biến” lợi nhuận năm 2015, khiến câu chuyện nợ xấu được dự đoán sẽ tiếp tục là điểm nóng tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) nhiều ngân hàng vào tháng tới đây.
Nợ xấu vẫn là điểm nóng trong mùa đại hội ngân hàng

Đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà bằng như Sacombank, Eximbank, Nam A Bank, Vietcombank… đã công bố ngày họp ĐHCĐ của mình, tập trung chính vào tháng 4/2015.

Theo các báo cáo được đưa ra trước thềm đại hội, nợ xấu hầu hết được xử lý ở mức “khá đẹp”, dưới 3%. Thậm chí, nhiều nhà băng như Sacombank, SCB…, nợ xấu còn được kéo về mức dưới 2% hoặc 1%. Tỷ lệ đã về con số được coi là an toàn, nhưng không có nghĩa số tiền trích lập giảm đi, thậm chí còn tăng.

Nguyên nhân được cho là các ngân hàng đã phải thận trọng hơn trước rất nhiều, tăng trích lập như một giải pháp dự phòng tình huống xấu như từng xảy ra trong quá khứ. Đồng thời, nợ xấu hiện mới chỉ xử lý tạm thời bằng cách bán cho VAMC, các khoản bán này yêu cầu mức trích lập rất cao.

Quay lại với trường hợp Eximbank, riêng quý IV/2015, nhà băng này lỗ 588 tỷ đồng do trích lập dự phòng 935 tỷ đồng, khiến kết quả cả năm 2015, Eximbank chỉ ghi nhận 89 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và âm 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Eximbank lại phải trích dự phòng rất lớn năm 2015 khi mà trước đó, cuối năm 2014, ngân hàng này đã công bố con số nợ xấu khá “an toàn” là 2,45%?

Theo lý giải của lãnh đạo một ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu tuy đã giảm nhưng không có nghĩa hoạt động tín dụng đã thực sự ổn. Tỷ lệ nợ xấu nhỏ nhưng số tuyệt đối là hàng nghìn tỷ đồng, đa phần các khoản dễ xử lý đã xong, phần còn lại rất nhiều là nợ có khả năng mất vốn (nhóm IV, nhóm V). Ngoài ra, nhiều khoản khoanh nợ, giãn nợ hỗ trợ doanh nghiệp trước kia, nhưng không giúp được doanh nghiệp phục hồi kinh doanh sẽ tiềm ẩn trở thành nợ mất vốn trong thời gian tới.

Nợ xấu vẫn tiềm tàng tăng trở lại nếu VAMC không giải quyết được số nợ đã mua về tới 200.000 tỷ đồng

“Do vậy, việc tăng trích lập dự phòng là dễ hiểu, và cổ tức chắc chắn sẽ được công bố ở con số thấp mùa đại hội năm nay”, vị lãnh đạo này cho biết.

Với Eximbank, hiện chưa thể coi là đã tái cấu trúc xong hoàn toàn, ngay cả vấn đề nhân sự, nhà băng này cũng đang trong giai đoạn củng cố nhân sự cấp cao. Mới đây nhất, Eximbank vừa có CEO mới, tiếp nối ghế Chủ tịch HĐQT của ông Lê Minh Quốc cũng vừa được bầu ở ĐHCĐ bất thường cuối năm 2015.

Con số trích lập dự phòng cao cũng đang hiện hữu ở nhiều ngân hàng khác. Tại ACB, theo báo cáo thì tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 2,2% xuống còn 1,3% vào cuối năm 2015, thế nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB vẫn tương đương với năm trước. Bên cạnh đó, ACB còn mạnh tay trích lập dự phòng cho các khoản chứng khoán đầu tư lên đến 1.367 tỷ đồng.

Dù sao với cổ đông của ACB, niềm an ủi là vẫn được chia cổ tức do kết quả kinh doanh không quá xấu. Năm qua ACB chi cổ tức 2014 cho cổ đông ở mức 7% và năm 2015, có thể cao hơn nhưng khó vượt nhiều.

Tương tự là câu chuyện của SCB, ngân hàng thực hiện các biện pháp tái cấu trục mạnh tay đầu tiên trong hệ thống, nên đã có hơn 3 năm để kiện toàn hoàn động. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về của SCB chủ yếu tập trung cho dự phòng rủi ro, nên Ngân hàng vẫn chưa có chủ trương chi trả cổ tức cho các cổ đông.

Hiện quỹ dự phòng của SCB đến thời điểm này (tính tổng thể) đạt mức khoảng 4.500 tỷ đồng.

Vấn đề hiện tại trong câu chuyện nợ xấu đó là những khoản đã bán cho VAMC, theo quy định nếu VAMC không xử lý được thì các ngân hàng phải nhận lại sau 5 năm. Điều này có nghĩa nợ xấu vẫn là tiềm tàng, chứ không hề đẹp như các tỷ lệ được báo cáo.

Theo bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam của Khối Nghiên cứu Kinh tế HSBC cho rằng, hiện nợ xấu của Việt Nam đã được kiểm soát và khả năng nợ xấu tái tăng trở lại sẽ rất khó. Nhưng số lượng nợ xấu bán cho VAMC sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, và điều quan trọng là Việt Nam phải làm sao để xử lý được nợ xấu do VAMC mua về.

Đến thời điểm này, tỷ lệ nợ xấu VAMC mua về chỉ mới được xử lý chưa tới 10% trong tổng số nợ xấu hơn 200.000 tỷ đồng. Thời gian 5 năm đã đi qua gần nửa chặng đường.              

Chuyên đề