Ngành thép quý IV/2015: Hai “ông lớn” nắm 30% tổng lợi nhuận cả ngành

Mặc dù bức tranh chung cả ngành thép trong kỳ không mấy khả quan nhưng lợi nhuận của những "ông lớn" vẫn tăng trưởng mạnh.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2015 của 18 doanh nghiệp thép niêm yết không mấy khả quan với 77,78% báo lãi giảm so với mức 88,9% doanh nghiệp báo lãi cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tổng doanh thu cũng giảm 6,35 %, còn gần 22.576 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế giảm tới 17,7%, còn hơn 580 tỷ đồng.

Ông lớn "bội thu"

Mặc dù bức tranh chung của toàn ngành không mấy khả quan, nhưng kết quả kinh doanh của các "ông lớn" trong kỳ này vẫn tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vẫn chiếm "ngôi vương" khi mang về doanh thu thuần 7.121 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 8% trong khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 565 tỷ đồng, tăng 14% so với quý IV/2014. 

Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) mặc dù doanh thu quý này sụt giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.913 tỷ đồng nhưng do giá vốn bán hàng giảm sâu đã giúp lợi nhuận sau thuế của công ty tăng tới gần 50% so với cùng kỳ, đạt hơn 187 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng hai "ông lớn" HPG và HSG đã chiếm tới 48,9% tổng doanh thu và cao hơn 30% so với tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép niêm yết.

CTCP Thép Pomina (mã POM) cũng là cái tên đáng chú ý trong kỳ với khả năng lội ngược dòng ngoạn mục khi bất ngờ báo lãi 6,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này lỗ tới 5,3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhỏ "khóc ròng"

Ngược lại với các "ông lớn", một số các doanh nghiệp thép nhỏ trong kỳ này lại có kết quả kinh doanh vô cùng bi đát, điển hình là CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH). 

Trong kỳ qua, mặc dù doanh thu thuần của công ty tăng nhẹ 11,2%, lên gần 1.262 tỷ đồng nhưng do giá vốn tăng vọt tới 27,7% lên hơn 1.389 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp đạt -127 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty liên doanh liên kết của TLH kỳ này cũng chịu chung cảnh thua lỗ nên tính chung cả quý, công ty lỗ tới hơn 186 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, TLH lãi hơn 10 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Kim khí TP.HCM (mã HMC) cũng có một kỳ kinh doanh khá lận đận. Công ty cho biết, năm 2015, mặt hàng chủ lực của công ty là thép tấm, thép lá nhập khẩu bị giảm giá liên tục. Đầu năm 2015, giá nhập thép tấm ở mức 480 USD/MT thì đến thời điểm tháng 12/2015 chỉ còn từ 250-260 USD/MT, giảm tới 45% so với giá đầu năm.

Trong khi đó, giá bán trên thị trường trong nước điều chỉnh rất nhanh theo giá hàng nhập mới. Khi giá xuống, việc tiêu thụ hàng hóa khó khăn, lượng tiêu thụ bị sụt giảm dẫn đến kinh doanh hàng nhập khẩu không có hiệu quả. Thêm vào đó, công ty còn tồn đọng một lượng tương đối lớn hàng tồn kho từ các quý trước có giá vốn cao. Theo đó, kết thúc quý IV/2015, HMC chịu lỗ hơn 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, công ty lãi hơn 5 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng bất ngờ "đảo chiều" báo lỗ là CTCP Thép Việt Ý (mã VIS) với khoản lỗ hơn 26 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước, công ty lãi 6,5 tỷ đồng. Trong khi đó, CTCP Sản xuất và Kinh doanh Kim khí (mã KKC) tiếp tục "điệp khúc" lỗ với mức lỗ gần 5 tỷ đồng.

Mối nguy từ thép Trung Quốc

Theo thông tin từ VSA, trong năm 2015, Việt Nam nhập gần 1,9 triệu tấn phôi thép các loại, tăng hơn 300% so với năm 2014 với trị giá khoảng 637 triệu USD, trong đó phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 66% lượng nhập và 63% về mặt giá trị, tăng đến 67% so với năm trước đó.

Với giá nhập khẩu bình quân 320 USD/tấn của năm 2015, sau khi trừ các chi phí liên quan, phôi thép nhập từ Trung Quốc về tới các nhà máy sản xuất trong nước rẻ hơn mua phôi thép sản xuất trong nước ít nhất 2 triệu đồng/tấn.

Theo đó, trong năm vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục lên tiếng thúc giục Bộ Công thương sớm áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và một số sản phẩm thép nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 18/2 về việc phôi thép nhậ khẩu ồ ạt trong tháng 1/2016, CTCP Thép Hòa Phát (một thành viên của Tập đoàn Hòa Phát - HPG) bày tỏ sự khẩn thiết khi chỉ ra thực trạng nhập khẩu phôi thép rất nghiêm trọng hiện nay. 

“Với lượng nhập khẩu quá lớn, ngành sản xuất thép Việt Nam chắc chắn không thể trụ vững và gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ quay trở lại 10 năm trước, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thép nhập khẩu”, Hòa Phát cho biết.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư