Nhiều doanh nghiệp ngành thép có nguy cơ đóng cửa

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2016, lượng phôi thép nhập khẩu là 326.000 tấn, bằng 1/6 lượng phôi nhập khẩu năm 2015 và tăng 220% so với cùng kỳ năm 2015. 
Nhiều doanh nghiệp ngành thép có nguy cơ đóng cửa

Với tốc độ này, lượng phôi nhập có thể lên hơn 4 triệu tấn trong năm 2016, bằng 2/3 nhu cầu sử dụng phôi trong nước là 7,5 triệu tấn. Trong khi đó, giá phôi thép nhập khẩu trong tháng 1 giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số nêu trên là hồi chuông cảnh báo nguy cơ các nhà sản xuất phôi thép nội địa phải đóng cửa, cũng như nhiều DN thép phải phá sản đang dần trở thành hiện thực, nếu không áp dụng ngay biện pháp tự vệ thương mại. Đây chính là lý do hầu hết các công ty chứng khoán đều xếp ngành thép vào nhóm ngành tiêu cực trong danh mục đầu tư năm nay.

Theo Hiệp hội Thép, trong tháng 1/2016, sản xuất phôi thép trong nước giảm 67,16%, tương đương giảm hơn 143.000 tấn so với tháng 1/2015. Trong khi đó, giá thành sản xuất phôi trong nước còn cao nên không cạnh tranh được khi phôi thép Trung Quốc hạ giá bán.

Nhập khẩu tôn mạ màu cũng tiếp tục tăng mạnh trong tháng 1/2016 với 32.000 tấn, tăng 106 % và giá giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tôn màu nhập khẩu chiếm hơn 55,6% thị phần tiêu thụ tại Việt Nam và sản xuất tôn màu trong nước cũng chỉ vận hành khoảng 60% công suất.

Theo Hiệp hội Thép, Trung Quốc tiếp tục chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thép ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam, do nhu cầu nội địa suy giảm. Một số DN trong nước tranh thủ nhập về để đầu cơ. Vì thế, việc áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại với phôi và thép dài, chống bán giá đối với thép mạ kẽm và thép mạ lạnh, mạ màu do DN trong nước chủ trì khởi xướng đang trở nên cấp bách.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư