Doanh nghiệp tôn, thép mạnh tay đầu tư nhà máy mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát sẽ chạy thử đầu quý I/2025, nhiều doanh nghiệp tôn thép khác như Công ty CP Thép Nam Kim, Công ty CP Tôn Đông Á… đang rục rịch chi lớn để xây thêm các nhà máy mới. Theo giới phân tích, năm 2025, các doanh nghiệp thép có thể được hưởng lợi nhờ nhu cầu thép nội địa, trong khi xuất khẩu có thể chậm lại.
Tiêu thụ thép nội địa được dự báo tăng trưởng trong năm 2025 nhờ thị trường xây dựng dân dụng phục hồi và đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Ảnh: Song Lê
Tiêu thụ thép nội địa được dự báo tăng trưởng trong năm 2025 nhờ thị trường xây dựng dân dụng phục hồi và đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Ảnh: Song Lê

Mới đây, Công ty CP Tôn thép Việt Pháp đã tổ chức lễ động thổ xây dựng Nhà máy Sản xuất tôn thép Việt Pháp số 2 tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP. Hải Phòng. Nhà máy có tổng diện tích 75.000 m2, tổng vốn đầu tư gần 45 triệu USD (tương đương 1.160 tỷ đồng) cho giai đoạn 1, năng lực sản xuất 350.000 tấn sản phẩm tôn thép mỗi năm. Dự án được kỳ vọng cung cấp các sản phẩm tôn thép chất lượng cao cho thị trường trong nước và quốc tế.

Không chỉ Tôn thép Việt Pháp, nhiều doanh nghiệp tôn thép khác cũng đang chuẩn bị đầu tư thêm các nhà máy mới. Giữa tháng 12/2024, HĐQT Công ty CP Tôn Đông Á thông qua quyết định đầu tư thêm 15 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Đông Á - Phú Mỹ nhằm triển khai Dự án Nhà máy Thép lá mạ Phú Mỹ. Khoản vốn bổ sung này được thực hiện trong tháng 12/2024, giúp nâng vốn điều lệ của công ty con lên 115 tỷ đồng.

Tôn Đông Á dự kiến khởi công nhà máy thép dẹt mới - Nhà máy Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong đầu năm 2025. Dự án có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, với tổng công suất thiết kế lên đến 1,2 triệu tấn/năm.

Ban lãnh đạo Tôn Đông Á đặt mục tiêu giai đoạn 1 của Nhà máy với công suất 300.000 tấn, tập trung vào các sản phẩm tôn mạ xây dựng, sẽ đi vào khai thác trong nửa cuối năm 2026. Đáng chú ý, sản phẩm chủ lực giai đoạn 2 (310.000 tấn) và giai đoạn 3 (600.000 tấn) của nhà máy mới sẽ là thép dùng cho sản xuất thiết bị gia dụng, sản xuất công nghiệp, ô tô… Qua đó, giúp Tôn Đông Á giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng vốn có tính chu kỳ.

Công ty CP Thép Nhà Bè - VNSTEEL đang trong quá trình chào bán khoảng 14,9 triệu cổ phiếu mới cho Tổng công ty Thép Việt Nam để huy động 149,39 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu về được dùng để bổ sung vốn cho Dự án Đầu tư sản xuất thép cán xây dựng - bổ sung công đoạn luyện phôi thép, với tổng công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai. Dự án được đầu tư trên diện tích 3 ha và tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng (vốn vay dự kiến hơn 292 tỷ đồng), thực hiện đến quý II/2026.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Thép Nam Kim đang chuẩn bị chào bán 131,6 triệu cổ phiếu ra công chúng với kỳ vọng thu về số tiền 1.580 tỷ đồng. Nguồn tiền huy động được sẽ dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ, nhằm đầu tư Dự án Nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là dự án trọng điểm của Nam Kim với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 4.500 tỷ đồng. Nhà máy mới sẽ được trang bị hệ thống dây chuyền hiện đại, bao gồm dây chuyền mạ kẽm công suất 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm công suất 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, cùng dây chuyền mạ màu công suất 150.000 tấn/năm.

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán An Bình đánh giá, sản lượng tiêu thụ nội địa các sản phẩm thép sẽ tăng trưởng trong năm 2025 nhờ thị trường xây dựng dân dụng phục hồi và đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Cụ thể, với vị thế chiếm 60% nhu cầu thép, thị trường bất động sản (BĐS) và hoạt động xây dựng dân dụng chiếm chủ yếu trong tiêu thụ thép nội địa. Nguồn cung sản phẩm BĐS dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2025 tại cả thị trường Hà Nội và TP.HCM sẽ giúp thúc đẩy sản lượng thép bán ra.

Đối với đầu tư công, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 với nhiều mục tiêu và dự án lớn như phấn đấu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành… Trong dài hạn, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với vốn đầu tư 67 tỷ USD sẽ giúp thúc đẩy tiêu thụ lượng lớn vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép.

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) và Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng đều nhận định, nguồn cung BĐS và đầu tư công tăng trưởng tác động tích cực tới giá và sản lượng thép tiêu thụ trong nước. Báo cáo cũng đánh giá áp lực từ thép Trung Quốc giảm do nước này cắt giảm nguồn cung và Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm HRC và tôn mạ nhập khẩu trong năm 2025.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư