![]() |
Nếu được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Vinpearl sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư tài chính sự lựa chọn mới, đầu tư và hưởng lợi cùng ngành du lịch và khách sạn. Ảnh: Lê Tiên |
Bước chân của Vinpearl mở ra kỳ vọng nhiều doanh nghiệp lớn thuộc khu vực kinh tế tư nhân khác như THACO, VNPay, Trung Nguyên… cũng sẽ IPO (chào bán cổ phiếu ra công chúng), đồng thời niêm yết trên sàn chứng khoán. Nếu được lên sàn, Vinpearl sẽ góp sức tăng quy mô vốn hóa thị trường Việt Nam khoảng 2 tỷ USD và nếu nhiều doanh nghiệp tư nhân khác lên sàn, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng tăng 47 - 48 tỷ USD trong 3 năm tới.
Thị trường vốn cần hàng hóa tốt để giữ chân nhà đầu tư
Dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Australia và Singapore mới đây, TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) chia sẻ, nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến việc hàng hóa mới trên thị trường vốn Việt Nam có gì. Câu hỏi này xuất phát từ thực tế nhiều năm nay, các doanh nghiệp đầu ngành như Vingroup, FPT, Hòa Phát, Vinamilk… đã quá quen thuộc, không còn mới. Trong khi đó, bản chất của dòng tiền đầu tư là liên tục chuyển động đến những nơi có câu chuyện mới, có cơ hội kiếm lời. Với số lượng, chất lượng hàng hóa như hiện nay, năm 2024, khối ngoại đã bán ròng 3,7 tỷ USD trên thị trường vốn Việt Nam. Nếu không có giải pháp tăng cường và cải thiện chất lượng hàng hóa, áp lực bán ròng có thể chưa dừng lại trong bối cảnh dòng tiền thông minh có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn hơn để sinh lời.
Vấn đề được chờ đợi nhiều năm trên thị trường vốn Việt Nam là câu chuyện nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, kỳ vọng được thực hiện khi tổ chức FTSE xem xét xếp hạng các thị trường toàn cầu vào tháng 9/2025. Tuy nhiên, sau nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có gì để tăng sức hấp dẫn dòng tiền? Đây là câu hỏi được một số chuyên gia đặt ra bởi trên thế giới từng có nhiều thị trường được nâng hạng như Ấn Độ, Nga, Brazil…, nhưng sau đó lại bị xuống hạng do không đáp ứng được sự kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế.
Việc Vinpearl nộp hồ sơ lên sàn, theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, có thể mang đến một “làn gió mới”, củng cố vị thế thị trường nước ta trong đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế. Với vốn điều lệ gần 18.000 tỷ đồng, trong đó Vingroup sở hữu 85%, Vinpearl cung cấp cho các nhà đầu tư tài chính một sự lựa chọn mới, đầu tư và hưởng lợi cùng ngành du lịch và khách sạn. Ngành du lịch Việt Nam dự kiến tăng trưởng 10 - 15% mỗi năm, trong đó Vinpearl thuộc nhóm các doanh nghiệp đẳng cấp, đang vận hành trên 30 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cùng nhiều công viên, khu vui chơi giải trí, sân golf trên toàn quốc.
Sau Vinpearl, nhiều doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng sẽ tiếp tục IPO và niêm yết. Đánh giá về tiềm năng 3 năm tới, chuyên gia của Dragon Capital chia sẻ quan điểm, trong kịch bản khả quan, quy mô thị trường vốn có thể tăng thêm 47 - 48 tỷ USD từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nhiều mảng ngành. Chẳng hạn, tiềm năng ở mảng tiêu dùng đến từ hàng loạt doanh nghiệp có thương hiệu như THACO Auto, Bách Hóa Xanh, Golden Gate và Highlands Coffee. Với mảng dịch vụ tài chính, riêng Chứng khoán Techcombank và Chứng khoán VPBank nếu lên sàn sẽ làm tăng quy mô vốn hóa khoảng 5 tỷ USD. Mảng công nghệ và dịch vụ IT có Viettel IDC, Công nghệ VNG, Misa, VNPay…
Mệnh lệnh phát triển kinh tế tư nhân
Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân, đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” đang mở ra nhiều kỳ vọng cho sự lớn mạnh của khối kinh tế tư nhân. Bài viết nêu quan điểm, để kinh tế tư nhân không chỉ phát triển về quy mô mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển dài hạn của đất nước, cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia các lĩnh vực chiến lược, phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng, công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn và an ninh năng lượng. Mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân trong các dự án quan trọng quốc gia, cùng tham gia với Nhà nước trong một số ngành công nghiệp chiến lược và một số lĩnh vực đặc biệt, nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Nhà nước có cơ chế chính sách giao đặt hàng khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào một số dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, những nhiệm vụ cấp bách như xây dựng đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, công nghiệp quốc phòng, an ninh...
Cùng với đó, cần thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới. Đây là yếu tố then chốt giúp kinh tế tư nhân bứt phá và vươn tầm quốc tế. Về nguồn lực phát triển cho kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư cho rằng, cần tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực quan trọng như vốn, đất đai, nhân lực, công nghệ. Cần có những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn để kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực một cách thuận lợi, công bằng, bình đẳng, minh bạch và hiệu quả, có thể khai thác và sử dụng tối ưu các nguồn lực này. Phát triển các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp tư nhân, bao gồm thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh tín dụng và các hình thức tài chính hiện đại như fintech, huy động vốn cộng đồng; xây dựng chính sách đất đai ổn định, minh bạch, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận quỹ đất thuận lợi, với giá hợp lý…
Theo TS. Nguyễn Sơn, các định hướng chiến lược trên sẽ tạo nền tảng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nuôi dưỡng, tạo nên những doanh nghiệp đầu đàn, trở thành tập đoàn hùng mạnh, lên sàn và thu hút dòng tiền đầu tư. Quyết sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển sẽ không chỉ trực tiếp tạo nên tăng trưởng cao hơn cho đất nước, mà khối doanh nghiệp này chính là “hạt nhân” để nâng tầm thị trường vốn, thúc đẩy sự luân chuyển hiệu quả của các dòng tiền.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu