Giải quyết tranh chấp, muôn ngả tới tòa

Các quy định liên quan đến hủy phán quyết trọng tài vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể hơn để việc áp dụng được thống nhất.
Số vụ giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài có xu hướng tăng, nhưng vẫn rất nhỏ so với tòa án
Số vụ giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài có xu hướng tăng, nhưng vẫn rất nhỏ so với tòa án

Chung thẩm vẫn có nguy cơ bị hủy

Luật Trọng tài thương mại năm 2010 dành hẳn chương XI để quy định về việc hủy phán quyết trọng tài. Theo đó, Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có yêu cầu của một bên và chỉ xem xét về tố tụng, mà không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp. Trong số các căn cứ để hủy phán quyết trọng tài được nêu tại Khoản 2, Điều 68, có căn cứ “đặc biệt”: Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo… Nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp này thuộc về bên có yêu cầu hủy phán quyết.

Đây là vừa là điểm mới so với quy định tại Pháp lệnh trước đó, vừa có tính độc đáo so với quy định của thế giới. Chưa bàn nội dung này có phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới hay không, nhưng hiện tại đang tồn tại nhiều quan điểm quanh quy định này.

Quan điểm đồng ý với nhà làm luật cho rằng, nếu biết chứng cứ do một bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo, mà không hủy phán quyết, thì sẽ bất lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, trung thực, thậm chí còn vi phạm nguyên tắc của Bộ luật Dân sự về sự thiện chí trong giao kết hợp đồng và sự tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự. Còn doanh nghiệp cố tình làm ăn gian dối lại có chỗ đứng và được hưởng lợi bất chính. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể là nạn nhân của việc cung cấp chứng cứ giả mạo và bị ảnh hưởng lợi ích.

Xem xét một tranh chấp gần đây cho thấy rõ điều này:

Công ty A (Việt Nam) ký hợp đồng với Công ty B (Singapore) với nội dung Công ty A mua 5.000 tấn thép phế liệu dạng băm vo, chỉ bao gồm gang và thép, không lẫn tạp chất như xỉ, gỉ sắt, ẩm do nước cho phép tối đa là 0,5%. Cùng ngày, Công ty B ký hợp đồng với Công ty C (Anh) để đặt mua 5.000 tấn thép phế liệu sau đốt là thép phế liệu thu hồi từ rác thải sinh hoạt được xử lý thông qua thiết bị đốt, khác hoàn toàn về chất lượng và giá trị sử dụng so với thép phế liệu. Mục đích của Công ty B là bán lại thép phế liệu cho Công ty A.

Công ty B đã lập khống chứng từ mô tả hàng hóa là hỗn hợp thép phế liệu dạng băm vo, mà không ghi theo đúng chủng loại hàng hóa là thép phế liệu. Bộ chứng từ mà Công ty B lập giả mạo là bộ chứng từ hàng hóa để làm thủ tục hải quan và yêu cầu Công ty A thanh toán L/C. Công ty A sau khi phát hiện ra sai phạm của Công ty B đã có đơn khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Hội đồng trọng tài đã xác định rõ chất lượng thép Công ty B giao cho Công ty A không đúng như thỏa thuận tại hợp đồng, biết bộ chứng từ giả mạo và chính Công ty C cung cấp tài liệu giao dịch mua bán thép phế liệu với Công ty B cho Hội đồng trọng tài. Trong thành phần Hội đồng trọng tài đã có thành viên nhận định về hành vi gian dối của Công ty B. Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài vẫn không xem xét hành vi lừa dối và cho rằng, chứng cứ chứng minh cho việc lừa dối không liên quan đến vụ việc và ban hành phán quyết buộc Công ty B bồi thường cho Công ty A với mức 18% khối lượng hàng hóa thực tế giao dịch.

Sau khi phán quyết trọng tài được ban hành, Công ty A làm đơn yêu cầu Tòa án hủy phán quyết này. Tòa án dựa trên các chứng cứ các bên xuất trình và các căn cứ pháp luật để ban hành Quyết định hủy phán quyết trọng tài do vi phạm Điểm d, Khoản 2, Điều 68, Luật Trọng tài thương mại năm 2010: “Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo”.

Ít nhất, trong trường hợp này, cần có một cơ chế (tòa án) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị lừa dối. 

Cần hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất

Vẫn còn tồn tại quan điểm cho rằng, quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên có yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là chưa phù hợp bởi theo lẽ thông thường, việc nhận định chứng cứ thuộc về phần giải quyết nội dung của vụ tranh chấp.

Cho dù các bên có đơn yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài, thì thẩm quyền của tòa án chỉ được xem xét phán quyết đó có vi phạm quy định về mặt hình thức hay không như: không có thỏa thuận trọng tài, hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; thành phần hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên, hoặc không phù hợp với quy định của Luật Trọng tài thương mại..., chứ tòa án không được giải quyết, xem xét lại nội dung vụ tranh chấp.

Do đó, có thể hiểu việc nhận định chứng cứ là “chạm” tới phần giải quyết nội dung tranh chấp. Nhưng như vậy có phù hợp với tính chất hỗ trợ giữa cơ quan Tòa án nhân dân và Trung tâm trọng tài hay không?

Trong một tranh chấp khác, nhà thầu (nguyên đơn) và chủ đầu tư (bị đơn) ký hợp đồng thi công xây dựng để xây dựng cầu tàu tại cảng trung chuyển quốc tế. Quá trình thực hiện hợp đồng, bị đơn có ra chỉ thị tạm ngừng toàn bộ công việc để điều chỉnh thiết kế tăng công suất khai thác của các cảng trung chuyển.

Nhưng trước đó, nhà thầu đã giao các cọc với giá trị đến 15% giá trị công tác chuẩn bị nguyên vật liệu. Giá trị này được nhà thầu gửi bị đơn trong yêu cầu thanh toán lần thứ nhất, đã được nhà tư vấn của bị đơn xác minh. Nhưng bị đơn không thanh toán cho nhà thầu số tiền nêu trên.

Do đó, nhà thầu khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài, yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền còn lại, các chi phí dịch thuật, tiền lãi phát sinh, cùng các tổn thất, thiệt hại khác. Trọng tài đã ban hành phán quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn (nhà thầu). Ngay lập tức, bị đơn có đơn yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài với lý do trọng tài đã ra phán quyết dựa trên chứng chỉ thanh toán tạm do nhà thầu cung cấp, mà trên thực tế bị đơn chưa bao giờ phê duyệt một chứng chỉ thanh toán tạm thời nào. Bị đơn cho rằng, chứng cứ này là giả mạo.

Tòa án lập luận rằng, bên có yêu cầu hủy phán quyết không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh là chứng chỉ thanh toán tạm lần thứ nhất là giả mạo, việc bị đơn chưa phê duyệt chứng chỉ cũng không đồng nghĩa với việc chứng cứ là giả mạo. Tòa án cũng cho rằng, chứng chỉ này có phải căn cứ xác định nghĩa vụ thanh toán hay không thuộc về nội dung vụ tranh chấp. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 71, Luật Trọng tài thương mại thì tòa án không xem xét lại nội dung vụ tranh chấp.

Theo quy định tại Điều 13, Luật Trọng tài thương mại, trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài, mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn luật định, thì mất quyền phản đối tại trọng tài hoặc tòa án.

Vậy tại sao các bên không đặt ra vấn đề chứng cứ giả mạo khi đang thực hiện tố tụng trọng tài, mà chỉ đến khi phán quyết trọng tài ban hành không có lợi cho một bên, thì bên bất lợi lại có đơn yêu cầu ra tòa án hủy phán quyết và nại ra lý do chứng cứ bên kia cung cấp là giả mạo? Tới thời điểm tòa án xem xét hủy phán quyết, bên có đơn có còn quyền phản đối của mình theo Luật Trọng tài thương mại hay không?

Như vậy, việc bổ sung căn cứ của việc hủy phán quyết trọng tài tại tòa án về cung cấp chứng cứ giả mạo là một điểm rất mới của pháp luật về trọng tài thương mại tại Việt Nam. Nghị quyết số 01/2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng có hướng dẫn về áp dụng căn cứ này để ra xem xét việc hủy hay không hủy phán quyết của trọng tài. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại nhiều cách hiểu và cần sớm có hướng dẫn cụ thể hơn để việc áp dụng được thống nhất và cũng là cách góp phần thúc đẩy tính hỗ trợ giữa tòa án và trung tâm trọng tài, cũng như tạo niềm tin cho các doanh nghiệp khi lựa chọn cơ quan tài phán.                    

Theo thống kê gần đây, từ khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có hiệu lực, số lượng phán quyết trọng tài bị hủy có xu hướng gia tăng so với thời điểm áp dụng Pháp lệnh. Điều này dường như trái với hy vọng của các nhà làm luật, cũng như niềm tin của các trọng tài viên của trung tâm trọng tài khi áp dụng những quy định tại Luật Trọng tài thương mại, mang tính kế thừa Pháp lệnh trọng tài, với mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế. 

Nhìn lại cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, chế định trọng tài đã được thành lập từ những năm 1960 ở miền Bắc, sau phát triển thành hệ thống trọng tài kinh tế nhà nước để giải quyết tranh chấp giữa các xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã. Thời điểm này, tòa án nhân dân chưa có thẩm quyền giải quyết các vụ việc kinh tế.

Đến năm 1994, hệ thống trọng tài kinh tế nhà nước giải thể, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại chuyển sang tòa kinh tế thuộc hệ thống tòa án nhân dân hoặc các trung tâm trọng tài kinh tế.

Pháp lệnh Trọng tài thương mại ra đời năm 2003 và sau này được thay thế bởi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 trở thành công cụ pháp luật hỗ trợ đắc lực cho việc giải quyết tranh chấp tại các trung tâm trọng tài kinh tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư