4 ưu tiên cải cách ngân sách

(BĐT) - Quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội của Việt Nam trong 20 năm tới dự báo sẽ tạo ra hàng loạt những thách thức đối với ngân sách.
Rủi ro ngoại hối và rủi ro lãi suất ngày càng lớn đối với mỗi quốc gia. Ảnh: Huyền Trang
Rủi ro ngoại hối và rủi ro lãi suất ngày càng lớn đối với mỗi quốc gia. Ảnh: Huyền Trang

Báo cáo Việt Nam 2035 cho biết, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ hội nhập toàn cầu sâu hơn và chuyển đổi mạnh mẽ hơn sang nền kinh tế thị trường, điều này sẽ làm tăng nguy cơ đối mặt với những biến động và các cú sốc kinh tế vĩ mô. Do vậy, việc quản lý cẩn trọng các vấn đề tài khóa - vĩ mô để duy trì lớp đệm ngân sách thích hợp, chống đỡ được các cú sốc, đảm bảo nợ công theo quỹ đạo bền vững là rất quan trọng.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải quản lý quá trình chuyển đổi từ chỗ được tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi của nước ngoài sang dựa vào thị trường vốn trong nước và toàn cầu để đáp ứng nhu cầu đầu tư từ ngân sách. Mặc dù phạm vi nguồn vốn mở rộng nhưng rủi ro ngoại hối, rủi ro lãi suất và rủi ro đảo nợ ngày càng lớn hơn khiến cho quốc gia phải chịu sự giám sát trực tiếp hơn của các thị trường vốn toàn cầu và chủ nợ tư nhân, càng làm tăng yêu cầu phải nâng cao tính minh bạch và sự cẩn trọng trong quản lý chính sách tài khóa.

Báo cáo cho rằng, khi Việt Nam bước vào giai đoạn cải cách ngân sách tiếp theo, mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và thể chế lại càng trở nên quan trọng. Theo đó, trong cải cách ngân sách, Việt Nam cần ưu tiên 4 cải cách chính. Thứ nhất là duy trì kỷ luật tài khóa và khả năng chống chịu với các cú sốc từ trong nước hoặc từ bên ngoài (hoặc cả hai). Trong vài năm qua, nợ công và nợ được Nhà nước bảo lãnh ở Việt Nam đã tăng nhanh, đến nay đã vượt trên 60% GDP. Mặc dù rủi ro về sức ép nợ vẫn trong khả năng kiểm soát, nhưng lớp đệm ngân sách sẵn có để xử lý các cú sốc kinh tế vĩ mô trong tương lai ngày càng hạn chế.

Thứ hai là huy động nguồn lực cho phát triển. Điều thiết yếu là phải có hệ thống thuế hiệu quả, minh bạch và công bằng, giảm thiểu được những méo mó và tạo ra nguồn thu thích hợp cho ngân sách. Thứ ba là cải thiện phân bổ nguồn lực chiến lược và cung cấp dịch vụ. Về vấn đề này, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, trọng tâm sẽ phải là điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả phân bổ và quản lý đối với các khoản chi ngân sách. Điều này đòi hỏi phải xây dựng được một chiến lược tài khóa rõ ràng dựa trên khung khổ ngân sách trung hạn, có căn cứ và theo quy định.

Cuối cùng là tăng cường quản lý thông tin. Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam phải ưu tiên tạo dựng hệ thống theo dõi và đánh giá đủ mạnh để chính sách tài khóa có thể được điều chỉnh dựa trên bằng chứng thực tế. Đây cũng là hướng đi của hầu hết các nền kinh tế thu nhập trung bình mới nổi.

Báo cáo Việt Nam 2035 cũng ghi nhận, Việt Nam đã đầu tư nhiều về năng lực và hệ thống quản lý tài chính công, qua đó giúp tăng cường kiểm soát cơ bản các giao dịch ngân sách và thu thập dữ liệu hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, sự phân tán, manh mún về trách nhiệm của các tổ chức đang cản trở việc tận dụng đầy đủ hệ thống hiện có để có được báo cáo toàn diện, kịp thời cũng như công khai những thông tin tài khóa chủ yếu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư