Ngành Hải quan: Phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách nhà nước

Năm 2016, ngành Hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN là 270.000 tỷ đồng. Ngành Hải quan sẽ làm gì để hoàn thành nhiệm vụ này khi mà năm 2016, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp, hoạt động của DN trong nước còn cầm chừng…?
Tạo điều kiện tối đa cho DN tham gia hoạt động XNK là ưu tiên hàng đầu trong các giải pháp thu ngân sách Nhà nước. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Lào Cai. (Ảnh: THU TRANG)
Tạo điều kiện tối đa cho DN tham gia hoạt động XNK là ưu tiên hàng đầu trong các giải pháp thu ngân sách Nhà nước. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Lào Cai. (Ảnh: THU TRANG)

Năm 2016, dự báo là năm đầy khó khăn trong công tác thu NSNN đối với ngành Hải quan. Ngay từ tháng 1-2016, giá dầu thô thế giới tụt xuống 28 USD/thùng (trong khi đó, dự toán NSNN của ngành Hải quan xây dựng từ tháng 8-2015 đã tính giá dầu thô với mức giá 60 USD/thùng). Bên cạnh đó, trong năm 2016 do thực hiện hội nhập, các Hiệp định FTA đi vào giai đoạn giảm thuế NK sâu và rộng, dự báo sẽ có nhiều DN chuyển đổi thương mại từ ngoài vào khu vực FTA.

Với chỉ tiêu thu cả năm 2016 là 270.000 tỷ đồng, chia bình quân mỗi tháng ngành Hải quan phải thu vượt 22.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của toàn ngành Hải quan trong tháng 1-2016 chỉ đạt 17.800 tỷ đồng, đạt 6,6% so với dự toán năm 2016, giảm 38,8% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Được biết, trong tháng 1-2016, kim ngạch NK của một số mặt hàng có số thu lớn giảm mạnh so với tháng trước như: Xăng dầu ước giảm 12% về lượng và giảm 31,9% về trị giá; ô tô nguyên chiếc giảm 51,6% về lượng và giảm 55,9% về trị giá; sắt thép các loại giảm 21,6% về lượng và giảm 20,9% về trị giá; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác cũng giảm 4,8%...

Ngoài ra, ước thu NSNN trong tháng 1- 2016 giảm so với cùng kỳ năm 2015  cũng là do kim ngạch NK của một số mặt hàng chính có xu hướng giảm so với tháng 12-2015 như: Sắt thép các loại (giảm 16,3% về trị giá), xăng dầu tăng 22,6% về lượng và giảm 17,5% về trị giá;  ô tô nguyên chiếc giảm 26,7% về lượng và giảm 5,3% về trị giá; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 80,8%... Mặt khác, giá dầu thô giảm mạnh so với thời điểm tháng 1-2015 và tháng 1 cũng là tháng giáp Tết nên lượng hàng hóa NK cũng có xu hướng giảm là những nguyên nhân gây giảm thu trong tháng 1-2016.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, lãnh đạo Tổng cục Hải quan xác định sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2016 do Quốc hội giao, quyết tâm đạt chỉ tiêu phấn đấu do Bộ Tài chính giao. Đặc biệt, để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2016, Tổng cục Hải quan đã ban hành và yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan triển khai Chỉ thị 1055/CT-TCHQ ngày 3-2-2016 về triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2016 trong toàn ngành Hải quan. Trong đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Tài chính, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của năm 2016, phấn đấu đạt 276 nghìn tỷ đồng, vượt 2,2% dự toán được giao.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN tham gia hoạt động XNK, tiếp tục duy trì tổ giải quyết nhanh, thực hiện đối thoại thường xuyên với DN để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, thủ tục quản lý thuế, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK.

Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại đơn vị, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng DN nợ, tình trạng thực tế của DN, nguyên nhân chưa thu hồi được nợ, đưa ra biện pháp xử lý nợ phù hợp theo quy trình quản lý nợ; tăng cường kiểm tra các trường hợp giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế. Đặc biệt, tập trung kiểm tra các trường hợp khai báo nhầm loại hình đối với hàng hóa phải kiểm tra thực tế 100% đối với hàng hóa XK theo quy định, DN được phân loại rủi ro cao về hải quan, rủi ro về thuế, các mặt hàng XK thuộc diện quản lý rủi ro… Phối hợp với cơ quan Thuế để thực hiện bù, trừ số tiền thuế GTGT DN được hoàn tại cơ quan Thuế.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ. Trong đó, tập trung kiểm tra các DN, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm có độ rủi ro cao, nâng cao hiệu quả kiểm tra sau thông quan. Đồng thời, rà soát việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại các Cục Hải quan địa phương. Yêu cầu các đơn vị phải thu đúng, thu đủ nộp vào NSNN, kiến nghị xử lý kịp thời đối với những cá nhân đơn vị thực hiện không đầy đủ nghiêm chỉnh các kiến nghị, kết luận.

Đối với công tác chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý rủi ro. Tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính trong chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, làm tốt vai trò cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải nắm chắc diễn biến tình hình tại các địa bàn, kịp thời cảnh báo phương thức thủ đoạn mới của tội phạm, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, đẩy mạnh công tác xây dựng hồ sơ DN, tập trung vào các loại hình, mặt hàng, khu vực trọng điểm, tuyến đường vận chuyển hàng hóa TNTX, chuyển khẩu, NK qua đường hàng không; Xác định mặt hàng, đối tượng, lĩnh vực trọng điểm, phương thức, thủ đoạn, hiện tượng nổi cộm trong từng địa bàn. Tiếp tục thu thập, xác minh làm rõ các thông tin về trị giá thực thanh toán, hoạt động XNK của các DN.

Đặc biệt, cần tăng cường xây dựng đội ngũ CBCC, duy trì kỷ cương kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng giáo dục đạo đức, nghề nghiệp và xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp. Đề cao kỷ cương kỷ luật trong thi hành công vụ và liêm chính hải quan.

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp CBCC không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, có thái độ, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu cho DN. Đồng thời thực hiện nghiêm quy định chế độ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi các cấp để xảy ra vụ việc sai phạm trong đơn vị. Triển khai Chỉ thị này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo dõi, quản lý sát nguồn thu, kịp thời báo cáo những vướng mắc cũng như các chế độ, chính sách thuế ảnh hưởng tới việc quản lý và thu nộp NSNN.

Triển khai công tác thu NSNN, tại các Cục Hải quan địa phương cũng đã xây dựng chương trình hành động riêng tùy thuộc vào đặc điểm tình hình kinh tế mỗi địa phương, các đơn vị đã đề ra giải pháp khai thác và quản lý tốt nguồn thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao, không để nợ đọng.

Bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành, tại mỗi Hải quan địa phương đều đã xác định phải thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN tạo thuận lợi cho DN, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý để tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi tối đa cho DN. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi thuế nợ đọng, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại đơn vị, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng DN nợ, tình trạng thực tế của DN, nguyên nhân và các giải pháp thu hồi hiệu quả nợ đọng. 

Chuyên đề