Hiện nay, các trạm thu phí BOT đang phổ biến thu mức 35.000 đồng/lượt/vé (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ (TT159) thì “định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 trở đi, căn cứ tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh mức thu phí quy định tại Thông tư này bảo đảm nguyên tắc của pháp luật về phí, lệ phí”. Biểu khung mức thu phí ban hành kèm theo TT159 quy định, phí của xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (xe cơ bản) có mức phí từ 15.000 - 52.000 đồng/vé/lượt.
Hiện nay, các trạm thu phí BOT đang phổ biến thu mức 35.000 đồng/lượt/vé, cá biệt một số trạm áp dụng mức thu 45.000 đồng/lượt/vé đối với loại xe cơ bản nói trên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia trong ngành xây dựng cho biết, hầu hết các hợp đồng dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A hiện nay đều quy định định kỳ 3 năm, nhà đầu tư BOT được tăng phí 18% so với mức phí hiện tại. Sở dĩ có con số tăng 18% này là do tính mức trượt giá bình quân của đồng tiền hàng năm, trung bình mỗi năm lạm phát khoảng 6% (3 năm x 6%/năm = 18%/3 năm).
Tuy nhiên, lạm phát năm 2015 của nước ta rất thấp, chỉ tăng 0,63% so với năm 2014. Phát biểu tại một hội nghị ngành GTVT cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, do chỉ số lạm phát năm 2015 đạt thấp, nên Bộ đã có văn bản đề nghị lùi thời điểm tăng mức thu phí tới ngày 1/6/2016 (việc tăng mức thu phí là để bù đắp chi phí cho nhà đầu tư do mức độ trượt giá của đồng tiền, nay chỉ số lạm phát thấp (đồng nghĩa với việc đồng tiền ít bị trượt giá, không phải 6% như dự tính) thì việc lùi thời hạn tăng mức phí là hợp lý.
Mặc dù vậy, đề nghị này của Bộ GTVT đã không được Bộ Tài chính chấp thuận. Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc không thể lùi thời hạn tăng phí đường bộ từ năm 2016. Và theo Thông cáo báo chí của Bộ Tài chính thì Bộ này thấy rằng đề nghị của Bộ GTVT chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT và không thể ban hành Thông tư lùi thời hạn ngay được từ ngày 01/01/2016 vì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, có một sự thật là khi thực tế chỉ số lạm phát thấp hơn nhiều so với dự tính (chỉ bằng khoảng 1/10, chỉ 0,63% trong khi dự tính là 6%), nhà đầu tư vẫn tăng phí BOT như hợp đồng đã ký thì người dân là đối tượng phải chịu thiệt thòi, còn nhà đầu tư là phía hưởng lợi. Trong các dự án BOT, Nhà nước đóng vai trò hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư. Trong những trường hợp này, dư luận và người dân đang rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, có một thực tế rằng, các tuyến đường Quốc lộ 1A (tuyến đường giao thông xuyên suốt Việt Nam) và Quốc lộ 14 (dài 1.005 km, là con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau và nối Tây Nguyên với Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ) gần như được xem là những tuyến đường độc đạo. Vì thế, để lưu thông hàng hóa bằng đường bộ qua các vùng miền, người dân đều phải sử dụng các tuyến đường này.
Khi các tuyến đường này được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT, một loạt trạm thu phí cũng theo đó mà mọc lên, giá phí lại tăng cao theo thời gian thì dù muốn hay không muốn, người dân cũng không có sự lựa chọn nào khác là vẫn phải đi trên các tuyến đường này.
Theo một số chuyên gia trong ngành giao thông, người dân gần như không có sự lựa chọn nào khác nếu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ theo các tuyến đường Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14, khi giá phí tăng cao, thậm chí là tăng cao một cách bất hợp lý, người dân có thể bức xúc, phản đối, bất bình nhưng vẫn buộc phải đi.