69 dự án BOT trong tổng số 71 dự án PPP của Bộ Giao thông vận tải đều chỉ định nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên |
Dù chưa có những đánh giá tác động cụ thể, đa chiều về các dự án BOT giao thông, nhưng với thực tế tất cả các dự án BOT do Bộ GTVT triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 (tính đến hết tháng 7/2015) đều áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, câu hỏi đặt ra là việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án này có đảm bảo minh bạch, hiệu quả đầu tư, thực sự mang lại lợi ích cân bằng cho cả người dân, Nhà nước và nhà đầu tư?
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, tính đến hết tháng 7/2015, ngành GTVT đã thu hút được 71 dự án triển khai theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) xây dựng hệ thống đường bộ với tổng mức đầu tư khoảng 202.556 tỷ đồng, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển với tổng mức đầu tư 157.600 tỷ đồng, đầu tư bến, cảng thủy nội địa với tổng mức đầu tư khoảng 18.977 tỷ đồng. Trong đó, số dự án đầu tư theo dạng thức hợp đồng BOT là 69 dự án, với tổng mức đầu tư là 186.481 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ GTVT, đối với các dự án BOT được triển khai trước năm 2010, Bộ GTVT đã áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT.
Theo đó, cơ bản có 2 hình thức để chỉ định nhà đầu tư các dự án BOT ngành giao thông thời gian qua là Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định và hình thức đăng danh mục dự án trong thời hạn 30 ngày nhưng chỉ có một nhà đầu tư đăng ký.
Cụ thể, một số dự án do Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư như: Các dự án Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1K, Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 51…
Các dự án BOT khác thuộc trường hợp sau khi công bố Danh mục dự án trên Trang thông tin điện tử của Bộ GTVT và đăng tải trên Báo Đấu thầu trong 3 số liên tiếp trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày danh mục dự án được đăng tải lần cuối) nhưng chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án. Đó là Dự án Xây dựng cầu Cổ Chiên, Dự án Xây dựng cầu Mỹ Lợi, Dự án Đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, Quốc lộ 38 đoạn Bắc Ninh - Hải Dương, cầu Thái Hà…
Bộ GTVT cho biết, về cơ bản tất cả các nhà đầu tư BOT được chỉ định thầu đều đáp ứng năng lực về tài chính cũng như kỹ thuật theo tiêu chí nêu trong hồ sơ yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà đầu tư được chỉ định huy động phần vốn chủ sở hữu chưa đảm bảo yêu cầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ và hiệu quả của dự án BOT.
Đánh giá về các dự án hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện theo dạng thức hợp đồng BOT, mới đây Bộ Tài chính cho rằng, các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đều thực hiện qua cơ chế chỉ định nhà đầu tư, chưa có sự cạnh tranh. Hơn nữa, các nhà đầu tư BOT đường bộ thời gian qua huy động nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong nước với mức lãi suất vay vốn tương đối cao.