Nguồn lực lớn, thủ tục thoáng để thúc đẩy đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng đầu tư công vào những dự án hạ tầng có sức lan tỏa lớn là giải pháp quan trọng để vừa kích cầu trong ngắn hạn, vừa tạo nền tảng cho phát triển dài hạn. Một nguồn lực lớn cùng với nhiều chính sách để đẩy nhanh giải ngân, bảo đảm hiệu quả đầu tư công đã được Chính phủ đề xuất tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 4/1/2021.
Chính phủ đề xuất dành 113,85 nghìn tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Ảnh: Tường Lâm
Chính phủ đề xuất dành 113,85 nghìn tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Ảnh: Tường Lâm

Dự kiến dành 113,85 nghìn tỷ đầu tư hạ tầng

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội. Trong tổng quy mô dự kiến 347 nghìn tỷ đồng của Chương trình, Chính phủ đề xuất dành 113,85 nghìn tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Cụ thể, hạ tầng giao thông là 103,164 nghìn tỷ đồng; cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và Đầu tư hạ tầng chuyển đổi số là 5,686 nghìn tỷ đồng; hạ tầng phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai là 5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ dự kiến chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước (NSNN) 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương; 3,15 nghìn tỷ đồng đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm.

Nếu được Quốc hội thông qua, trong hai năm 2022 - 2023, sẽ có thêm nguồn vốn lớn đổ vào nền kinh tế thông qua thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư công.

Đề xuất cơ chế đặc thù

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc Chương trình, Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng 3 chính sách đặc thù đối với dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình. Cụ thể, cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp; khai thác mỏ khoáng sản để thực hiện dự án. Phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND một số địa phương thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm các đoạn tuyến/dự án còn lại và tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước đoạn tuyến/dự án và phần vốn giao cho địa phương.

Chính phủ đề xuất Quốc hội chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng vào cuộc, tham gia giám sát ngay từ đầu việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đồng thời để đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải ngân vốn đầu tư công hơn nữa, Chính phủ cũng đề xuất sửa một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu tại Dự án 1 luật sửa 8 luật.

Theo đó, Chính phủ trình sửa Điều 17, Điều 25 và Điều 33 của Luật Đầu tư công để đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương. Cụ thể, đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Trong Luật PPP, quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 cũng được đề xuất sửa đổi theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và nhóm C, nhằm bảo đảm đồng bộ với đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công.

Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu thầu theo hướng việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Chuyên đề