Tập trung nguồn lực đầu tư công cho liên kết vùng ĐBSCL

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển năng lượng sạch, nuôi trồng và chế biến nông - thủy - hải sản…, nhưng kết quả thu hút đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến nay vẫn còn thấp, do hạn chế về kết nối hạ tầng, chi phí logistics cao…, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần cú hích toàn diện từ chính sách hỗ trợ để khắc phục những bất cập này, phát triển ĐBSCL cũng chính là góp phần phát triển chung của đất nước.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cần cú hích toàn diện

Chia sẻ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) ĐBSCL tại một cuộc hội thảo về kinh tế vùng mới đây, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN bị ảnh hưởng rất nhiều do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt thời gian qua. Hiện nay, đa số DN đã hoạt động trở lại (đạt từ 70 - 80%), nhưng vẫn trong tình trạng khan hiếm lao động (thiếu hụt khoảng 10 - 20%). Nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng kịp thời, khan hiếm, giá thành cao.

Trong khu vực ĐBSCL, ông Thắng chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với DN trong bối cảnh hiện nay là chi phí đầu vào, chi phí hoạt động tăng cao do các phát sinh liên quan đến công tác phòng chống dịch như chi phí xét nghiệm, đầu tư để đáp ứng điều kiện kiểm soát, phòng chống và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, còn khó tiếp cận nguồn vốn, chính sách…

“Việc thực hiện các biện pháp chống dịch không đồng nhất, một số địa phương mở cửa chậm, khiến cho DN gặp sự cố thiếu hàng để nhà máy sản xuất, vì nhà cung cấp ở Bình Dương, Đồng Nai…”, ông Thắng phản ánh.

Số liệu của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quý III/2021, số lượng DN đăng ký thành lập mới là 981, giảm tới 66% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi trung bình cả nước giảm 50%. Tình hình được cải thiện hơn trong tháng 11/2021, nhưng mức giảm vẫn thấp hơn 20%, trong khi cả nước giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lao động cũng giảm mạnh trong quý III/2021, 9,25 nghìn lao động, tương đương mức giảm 64% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi tỷ lệ trung bình của cả nước là giảm 39%.

Về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tại vùng ĐBSCL trong 11 tháng năm 2021, toàn Vùng có 79 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký là 5,3 tỷ USD trong tổng số 1.577 dự án FDI cấp mới trên cả nước với tổng vốn đăng ký là 26,46 tỷ USD (Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,76 tỷ USD, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD).

Tăng kết nối hạ tầng, giảm chi phí logistics

Trong bối cảnh hiện nay, trong nước và thế giới đang có xu hướng phục hồi rõ nét, mở cửa đường bay, điều kiện y tế được cải thiện…, mặc dù diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, khó lường. Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đây là thời điểm thích hợp để Chính phủ tung ra một gói hỗ trợ chính sách quy mô lớn hơn cả về tài khóa và tiền tệ, xuyên suốt và đủ dài để vực dậy nền kinh tế, tạo sức bật cho DN khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cần tập trung nguồn lực đầu tư công cho các lĩnh vực logistics, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin để tăng tính liên kết vùng, tạo tác động lan tỏa, kích thích đầu tư tư nhân vào các ngành nghề khác.

“Nhưng điều quan trọng nhất hiện nay không phải là quy mô gói hỗ trợ lớn cỡ nào, mà là làm thế nào khơi thông trách nhiệm của các bên liên quan, thúc đẩy gói hỗ trợ đi nhanh vào thực tế, hay nói cách khác là tốc độ thực thi quan trọng hơn quy mô… Cơ chế thực thi ở cấp tỉnh, thành phố đã khó thì cấp vùng càng khó hơn. Do vậy, cần có giải pháp mạnh hơn để thôi thúc cơ quan quản lý nhà nước đẩy nhanh việc thực thi chính sách liên kết vùng, làm sao để cán bộ dám nghĩ dám làm, đảm bảo lợi ích cho DN mà không sợ trách nhiệm. Gần đây có một tín hiệu đáng mừng là Bạc Liêu đã mạnh dạn đề xuất mượn ngân sách năm sau để thực hiện các biện pháp chi đầu tư hỗ trợ DN phục hồi", ông Dương nói.

Các chính sách hỗ trợ này, theo ông Thắng, cần tập trung đầu tư vào phát triển kết nối hạ tầng giao thông liên thông giữa 13 địa phương trong Vùng để giảm tối đa chi phí logistics. Chi phí vận tải đường thủy so với đường bộ là rẻ hơn rất nhiều. Container đi đường thủy là không quá 1 triệu đồng, trong khi đường bộ là 5 - 6 triệu đồng.

Vùng cũng cần tính toán lại quỹ đất, không nên đặt quá trọng tâm vào phát triển lúa gạo. Mỗi vùng đất phù hợp với một mô hình khác nhau, có nơi thuận lợi để phát triển nông nghiệp, có nơi là chế biến, chế tạo… Thế nhưng, hiện nay, một số nơi không sản xuất nông nghiệp trong 20 - 30 năm nay, nhưng khi chuyển đổi đất lúa sang phát triển đất công nghiệp thì gặp vô vàn khó khăn.

Ngoài ra, các gói hỗ trợ chính sách cần tập trung nguồn lực cho việc số hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính để minh bạch thông tin, giảm chi phí và thời gian đi lại cho DN.

Sau đại dịch, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các DN cần xác định lại thị trường để sắp xếp lại các mặt hàng, ngành hàng chủ lực theo xu hướng gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn, tận dụng sản phẩm thừa của ngành này làm đầu vào của ngành kia, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và chống chịu với biến đổi khí hậu cũng như tận dụng lợi thế từ các hiệp định FTA. Trong đó, cần có cơ chế cho phép thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực để tạo động lực cho DN chuyển đổi.

Chuyên đề