Nhu cầu vốn lớn, cần huy động nhiều nguồn lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để phát triển nhanh, bền vững, đạt được các mục tiêu trung, dài hạn, Việt Nam cần những bước đột phá trong nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng (KCHT) với một nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của NSNN là có hạn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn đến nguồn thu ngân sách và toàn nền kinh tế. Việc phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước là rất cần thiết.
Nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2030 cho các dự án phát triển hạ tầng do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đầu tư ước khoảng 1,98 triệu tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2030 cho các dự án phát triển hạ tầng do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đầu tư ước khoảng 1,98 triệu tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Nhu cầu đầu tư lớn để tăng tốc phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục xác định phát triển KCHT là một trong ba đột phá chiến lược.

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu rất nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19, hai năm 2020, 2021 tăng trưởng đạt thấp và không đạt mục tiêu, Việt Nam cần sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm nếu muốn đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra. Nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc này đầu tư KCHT, đặc biệt là giao thông, năng lượng, y tế, đô thị... càng cần được đẩy mạnh, đi trước một bước, để tạo tác động lan tỏa, động lực tăng trưởng mới.

Theo Dự thảo lần 1 Đề án Xây dựng hệ thống KCHT đồng bộ giai đoạn 2021 - 2030 thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, dự kiến nhu cầu về nguồn vốn là rất lớn. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), chỉ tính riêng phần Bộ GTVT chịu trách nhiệm đầu tư thì nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2030 ước khoảng 1,98 triệu tỷ đồng, trong đó NSNN cần bố trí khoảng 1,316 triệu tỷ đồng, huy động ngoài NSNN khoảng 664 nghìn tỷ đồng. Nhu cầu vốn bảo trì KCHT giao thông ước cần khoảng 532 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, ngành y tế cần tối thiểu khoảng 500 nghìn tỷ đồng để thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng. Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, nhu cầu vốn giai đoạn này ước khoảng 40 nghìn tỷ đồng để đầu tư các hạ tầng công nghệ nền tảng dùng chung và nâng cấp… Ngoài ra còn nhu cầu đầu tư hạ tầng đô thị; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch; hạ tầng giáo dục và đào tạo…

Chỉ tính riêng giao thông đường bộ, theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 mục tiêu hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài gần 29.800 km. Đường bộ ven biển qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 3.034 km, quy mô 2 - 4 làn xe, hướng tuyến các đoạn không đi trùng các quốc lộ, cao tốc được quyết định trong quy hoạch tỉnh. Để thực hiện các mục tiêu theo quy hoạch, Bộ GTVT tính toán nhu cầu vốn đầu tư đường bộ đến năm 2030 khoảng 900 nghìn tỷ đồng.

Về khả năng bố trí của NSNN, tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước là 2,87 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương đề xuất đến thời điểm tháng 3/2021 là 3,9 triệu tỷ đồng. Như vậy, các bộ, ngành, địa phương cần huy động hơn 1 triệu tỷ đồng từ các nguồn lực khác ngoài vốn NSNN.

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

Theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, hơn 2,8 triệu tỷ đồng cho đầu tư công không phải là nhiều so với nhu cầu về vốn đầu tư toàn xã hội. Chính vì vậy, cần phải nhấn mạnh là vốn đầu tư công chỉ là vốn mồi, tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt phải đẩy mạnh thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). “Chúng ta đã có Luật PPP, không còn thiếu khung khổ pháp lý như giai đoạn trước đây. Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm từ những dự án PPP rất thành công như cao tốc Vân Đồn - Quảng Ninh - Hạ Long và sân bay Vân Đồn. Đây là minh chứng nếu kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tốt sẽ tạo ra được nguồn lực phát triển”, ông Hoàng Văn Cường nhận định.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của thu hút các nguồn lực cho đầu tư để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai), nhận định, bất cứ quốc gia nào, khu vực tư nhân luôn là động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là đối với các nước đang phát triển. Cần thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân để mang lại sự phát triển cũng như cần tạo cơ chế, chính sách mới để khu vực tư nhân đầu tư vào các công trình, dự án, nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ, năng lượng tái tạo và giao vận bên cạnh hạ tầng giao thông.

Đề nghị Chính phủ thúc đẩy đầu tư theo phương thức PPP, ông Vũ Tiến Lộc (đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) nói: “Nhà nước đừng làm một mình. Trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, các cơ quan nhà nước đừng quá vì an toàn cho mình mà đẩy hết rủi ro và khó khăn về cho người dân và doanh nghiệp. Và đây chính là chìa khóa để thúc đẩy quan hệ đối tác công tư trong thời gian tới, huy động nguồn lực của toàn xã hội”.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhấn mạnh, Chính phủ cần quan tâm giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là các giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức PPP. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị rà soát lại danh mục đầu tư công trung hạn theo hướng ưu tiên đầu tư cho KCHT giao thông, kết nối mạng lưới logistics và liên kết vùng, xây dựng hạ tầng số và tăng vốn đối ứng để thu hút đầu tư theo phương thức PPP.

Thời gian qua, với quyết tâm cao để tạo chuyển biến tích cực trong đột phá chiến lược về hạ tầng, trong điều kiện NSNN hạn hẹp, Thủ tướng liên tục nhấn mạnh quan điểm phải đa dạng nguồn lực đầu tư, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút được 1%, 1 đồng vốn ngoài NSNN cũng quý. Thủ tướng nêu rõ vốn NSNN trung hạn là vốn mồi, phải đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn khác, đặc biệt là theo phương thức PPP. Không chỉ hạ tầng giao thông, làm việc với Bộ Xây dựng, Thủ tướng chỉ đạo phải thiết kế các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cơ chế PPP để thu hút các nguồn lực đầu tư cho xây dựng công viên, công trình công cộng, nhà ở và cả trụ sở cơ quan nhà nước... Thủ tướng nhấn mạnh, trên cơ sở nguyên tắc chung là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ khi có rủi ro, việc triển khai cơ chế PPP phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, tỉnh táo, không cứng nhắc, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhiều địa phương cũng xác định tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng KCHT kinh tế - xã hội. Một số địa phương đã, đang chuẩn bị những dự án PPP lớn, như cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Thông lệ quốc tế cho thấy, mặc dù đầu tư công vẫn là hình thức phổ biến để phát triển KCHT nhưng hầu hết các nước đều có chương trình, kế hoạch để huy động tư nhân tham gia tài trợ, quản lý dự án KCHT. PPP giúp chính phủ các nước đầu tư phát triển tài sản khu vực công mà không cần phải chi trả trước các khoản vốn đầu tư lớn. Hơn nữa, có thể tận dụng chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, khả năng sáng tạo và công nghệ của khu vực tư nhân, khu vực ngân hàng, tổ chức tài chính giúp nâng cao hiệu quả đầu tư.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư