Giải ngân đầu tư công chặng nước rút: Người đứng đầu là yếu tố quyết định

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng cuối năm, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ để có thể giải ngân cao nhất kế hoạch năm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đến 30/11/2021 ước đạt 294.589,31 tỷ đồng, bằng 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên
Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đến 30/11/2021 ước đạt 294.589,31 tỷ đồng, bằng 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), công tác giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 11/2021 đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân 11 tháng thấp so với cùng kỳ và chưa đạt yêu cầu đề ra. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đến 30/11/2021 ước đạt 294.589,31 tỷ đồng, bằng 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 71,22%), trong đó vốn trong nước đạt 69,19%, vốn nước ngoài đạt 21,51%. Còn 34/50 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 55%, trong đó 19 bộ và 2 địa phương dưới 30%.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 11/2021 thấp hơn bình quân chung của cả nước, Sở KH&ĐT Quảng Trị cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công của Tỉnh có nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và những tháng cuối năm bước vào mùa mưa lũ. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đến cuối tháng 7 mới được Quốc hội thông qua và Thủ tướng giao vốn ngày 15/9/2021. Các dự án khởi công mới năm 2021 phân bổ vốn muộn, gần bước vào mùa mưa bão nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, giải ngân. Bên cạnh đó là những khó khăn do thiếu hụt nhiều loại vật liệu xây dựng, đất đắp; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư; giá một số vật liệu xây dựng tăng cao, trong đó giá thép tăng đột biến. Đặc biệt quá trình triển khai thực hiện dự án ODA gặp rất nhiều khó khăn…

Khó khăn của Quảng Trị cũng là khó khăn, vướng mắc chung của rất nhiều bộ, ngành, địa phương. Trong báo cáo Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2021, Bộ KH&ĐT đã nêu rõ các khó khăn, vướng mắc này.

Tuy nhiên, trong mặt bằng chính sách, bối cảnh khó khăn chung, vẫn có nhiều bộ, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân tích cực. Số liệu giải ngân 11 tháng có 7 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%. Một trong những nhân tố quan trọng từ kinh nghiệm của những địa phương này là sự sâu sát, quyết liệt của người đứng đầu.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy sự chủ động, không ngại trách nhiệm và lưu tâm đúng mức đến tác động lan tỏa của dự án đầu tư công. Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng; phát huy vai trò người đứng đầu, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn. Đây là yếu tố quyết định đến kết quả giải ngân của dự án.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 10/11/2021. Đối với các đơn vị được điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2021, khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai ngay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đối với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao, khẩn trương báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu để 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 triển khai hiệu quả, sớm giải quyết vướng mắc.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng, cần phải tạo bước đột phá trên cơ sở tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc về mặt thể chế, nhất là quy trình, thủ tục, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, giải ngân... trong triển khai các dự án đầu tư công. Ông Nguyễn Thành Phong đề xuất nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc biệt, nhất là quy trình, thủ tục, hồ sơ áp dụng trong giai đoạn cần thúc đẩy đầu tư công như hiện nay.

Theo nhiều nhà thầu chia sẻ, dù nỗ lực thúc đẩy tiến độ để bù lại thời gian bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội, nhưng doanh nghiệp đang hết sức khó khăn vì giá nguyên vật liệu tăng quá cao, càng làm càng lỗ. Nhà thầu đã liên tục kiến nghị tới các cơ quan chức năng của địa phương nhưng đều nhận được trả lời là chưa có hướng dẫn từ Trung ương nên chưa được giải quyết. Nhà thầu lo ngại nếu không sớm được tháo gỡ có thể phải thi công cầm chừng, giãn tiến độ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Chuyên đề