Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022, giải ngân đầu tư công vẫn là động lực quan trọng đóng góp cho phục hồi kinh tế. Từ kinh nghiệm của năm 2021, việc tổ chức triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 cần được các bộ, ngành, địa phương chú trọng, sát sao hơn, để đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm.
Các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công năm 2022, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Công
Các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công năm 2022, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Công

Đến hết tháng 11/2021, vẫn còn rất nhiều địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn được giao của năm 2021. Một số địa phương ước cả năm không thể giải ngân đạt 95% kế hoạch.

Là một trong những địa phương có tiến độ giải ngân chậm, UBND TP. Đà Nẵng xác định nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Trong đó, sẽ bố trí vốn đầu tư tập trung, hiệu quả, chỉ bố trí vốn cho các công trình, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định và hướng dẫn. Tiếp tục khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, thực hiện cắt giảm, giãn tiến độ thực hiện đối với công trình, dự án chưa thực sự cấp bách, cần thiết để ưu tiên và tập trung nguồn vốn cho các dự án dở dang, động lực trọng điểm. Thành phố cũng khẩn trương giao kế hoạch vốn, ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn ngay từ đầu năm 2022, quy định cụ thể thời gian khởi công, hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng đối với các công trình trọng điểm, động lực. Đà Nẵng yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án trong quý I/2022 phải xây dựng kế hoạch giải ngân và có cam kết tỷ lệ giải ngân đến từng thời điểm trong năm 2022. Cụ thể, đến 30/4/2022 giải ngân đạt 15% kế hoạch vốn được giao; đến 30/6/2022, giải ngân đạt 35%; đến 30/9/2022 đạt 60%, đến 31/12/2022 đạt 90% và đến 31/1/2022 đạt 95% kế hoạch vốn được giao…

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bình Định cho biết đã tham mưu cho UBND Tỉnh các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022, trong đó xác định mốc thời gian thực hiện kế hoạch. Trong tháng 1/2022, các chủ đầu tư có văn bản cam kết tiến độ hoàn thành hồ sơ đối với dự án khởi công mới năm 2022 và cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022 được giao. Đối với các dự án đã có trong kế hoạch trung hạn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí ngân sách cấp mình triển khai trước, ngân sách cấp tỉnh sẽ bố trí hỗ trợ sau. Hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu trước 31/3/2022. Quá thời hạn nêu trên mà chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, Sở KH&ĐT sẽ tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn đã phân bổ sang dự án khác. Đến 30/6/2022, cần bảo đảm tỷ lệ giải ngân ít nhất 40% đối với tất cả các nguồn vốn và đến 30/9/2022 đạt 60% kế hoạch vốn giao, dự án nào chưa đạt sẽ tiến hành điều chuyển vốn sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Nhiều bộ, ngành, địa phương khác cũng đề ra nhiều giải pháp, tháo gỡ vướng mắc để quyết tâm đẩy nhanh giải ngân đầu tư công năm 2022, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương lưu ý, việc triển khai kế hoạch năm 2022 phải rút kinh nghiệm từ năm 2021. Năm 2022, Chính phủ quyết tâm cao nhất phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, bù đắp cho năm 2021, công tác chỉ đạo điều hành về đầu tư công năm 2022 sẽ rất quyết liệt.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương. Vấn đề còn lại nằm ở giao kế hoạch chi tiết của bộ, ngành, địa phương cho các dự án, theo quy định là trước 31/12 của năm trước năm kế hoạch. Nếu làm tốt phân bổ chi tiết vốn trước 31/12, công tác thực hiện giải ngân được hỗ trợ rất nhiều và ngay đầu năm 2022 đã có thể giải ngân, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết, Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã quyết nghị rõ nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện. Nếu triển khai theo đúng Nghị quyết cũng sẽ kích thích giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm.

Bộ KH&ĐT cho biết, về thể chế, chính sách, trong dự án 1 luật sửa 8 luật dự kiến được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp bất thường sắp tới sẽ có thêm những tháo gỡ về thủ tục, phân cấp mạnh hơn. Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực từ 16/12/2021 cũng đơn giản nhiều thủ tục, thời gian, gỡ một số vướng mắc ảnh hưởng tiến độ giải ngân của dự án ODA. Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư đang được hoàn thiện để báo cáo cấp thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, với kỳ vọng tháo gỡ được một trong những nút thắt chính làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong nhiều năm qua.

Chuyên đề