Giải ngân các dự án giao thông trọng điểm: Thách thức nhìn từ những con số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, tính tới hết ngày 30/11, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã giải ngân 69.228 tỷ đồng, đạt 53,4% kế hoạch năm 2024.
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn giao cho nhóm công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là 129.553,9 tỷ đồng. Ảnh: Phú An
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn giao cho nhóm công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là 129.553,9 tỷ đồng. Ảnh: Phú An

Trong 23 dự án, dự án thành phần (DATP) có tỷ lệ giải ngân dưới 53,4%, có 10 dự án chưa giải ngân. Số vốn chưa giải ngân tại các dự án trọng điểm còn lớn, trong khi thời gian còn lại của năm 2024 chỉ còn vài tuần cho thấy những thách thức không nhỏ để về đích kế hoạch 2024, góp sức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn giao cho nhóm công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là 129.553,9 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 96.957 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 32.596,6 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30/11, số vốn kế hoạch chưa giải ngân khoảng 60.325,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 2 dự án được bố trí vốn lớn nhưng lại có tỷ lệ giải thấp là Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 - TP.HCM. Cụ thể, năm 2024, vốn kế hoạch bố trí để thực hiện Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 10.907,6 tỷ đồng, nhưng tính đến hết tháng 11/2024 số vốn giải ngân thực hiện được 2.397 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch. Cụ thể hơn, ở nhóm DATP bồi thường, hỗ trợ tái định cư (vốn kế hoạch 4.776,5 tỷ đồng), DATP 1.2 do UBND tỉnh Hưng Yên là cơ quan có thẩm quyền đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất là 21,9% kế hoạch. DATP 1.1 do UBND TP. Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền đạt 15,4% và DATP 1.3 do UBND tỉnh Bắc Ninh làm cơ quan có thẩm quyền chỉ đạt 10,5% kế hoạch. Phần vốn ngân sách nhà nước bố trí cho nhóm DATP xây dựng đường cao tốc (được đầu tư theo phương thức PPP) là 4.230 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2024 mới giải ngân được 147 tỷ đồng, đạt 3,5%. Nhóm DATP xây dựng đường song hành (đường đô thị) được bố trí 1.901,1 tỷ đồng, giải ngân 1.447 tỷ đồng, đạt 76,1% kế hoạch.

Với Dự án Vành đai 3 - TP.HCM, năm 2024, tổng vốn kế hoạch bố trí thực hiện là 22.032,1 tỷ đồng, tính đến hết tháng 11/2024, mới giải ngân được 5.435,4 tỷ đồng, đạt 24,7%. Cụ thể, nhóm 4 DATP đầu tư xây dựng do UBND các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM đóng vai trò là cơ quan có thẩm quyền được bố trí tổng vốn kế hoạch là 13.274,9 tỷ đồng, nhưng hết tháng 11 mới giải ngân được 3.283,7 tỷ đồng. Không chỉ các dự án xây lắp chậm giải ngân, vốn đầu tư công nhóm DATP bồi thường, tái định cư cũng giải ngân rất chậm. Theo đó, tổng vốn bố trí cho 4 DATP nhóm này là 8.757,2 tỷ đồng, hiện giải ngân là 2.151,7 tỷ đồng, đạt 24,6% kế hoạch. Trong đó, kém nhất là DATP 2 (TP.HCM) được bố trí 6.500 tỷ đồng, nhưng hiện giải ngân được 78,6 tỷ đồng, đạt 1,2% kế hoạch.

Tính tới hết ngày 30/11, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã giải ngân 69.228 tỷ đồng, đạt 53,4% kế hoạch năm 2024. Ảnh: Lê Tiên
Tính tới hết ngày 30/11, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã giải ngân 69.228 tỷ đồng, đạt 53,4% kế hoạch năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Tài chính cho biết, tình hình giải ngân ở các dự án đầu tư, xây dựng cao tốc khả quan hơn. Nếu các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công và các vướng mắc được tháo gỡ hiệu quả thì nhóm dự án này có khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân hết số vốn kế hoạch đã được bố trí trong năm 2024.

Đơn cử, nhóm 12 DATP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí 37.532,6 tỷ đồng, tính đến hết tháng 11 giải ngân được 28.855,7 tỷ đồng, đạt 76,95% kế hoạch năm 2024. Trong thời gian còn lại của năm 2024, 12 DATP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cần giải ngân khoảng 8.676,9 tỷ đồng. Lãnh đạo một số chủ đầu tư (thuộc Bộ Giao thông vận tải) đặt quyết tâm cao và cho biết, với tiến độ xây dựng trên các công trường hiện nay, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, các chủ đầu tư, nhà thầu sẽ cán đích giải ngân số vốn đã được bố trí cho cao tốc Bắc - Nam.

Các dự án cao tốc khác như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu… dù có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình (53,4%), nhưng do lượng vốn bố trí lớn nên để hoàn thành kế hoạch giải ngân 2024 trong bối cảnh còn rất ít thời gian là không đơn giản. Cụ thể, Dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột được bố trí 4.934,4 tỷ đồng, hết tháng 11 giải ngân được 3.995,4 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch. Số vốn kế hoạch năm 2024 bố trí cho Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là 6.874,3 tỷ đồng, giải ngân tính tới hết tháng 11 là 4.264,2 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch. Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được bố trí 10.805,2 tỷ đồng, kết quả giải ngân đến hết tháng 11 là 8.256,6 tỷ đồng, đạt 76,4%. Dự án Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được bố trí 3.154 tỷ đồng, kết quả giải ngân tới hết tháng 11/2024 là 2.422,6 tỷ đồng, đạt 76,8%.

Nhóm 10 dự án, DATP có tỷ lệ giải ngân 0%, ngoài cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu -Sơn La đang triển khai thì phần lớn là những dự án trong giai đoạn chuẩn bị triển khai, như cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn Nam Định - Thái Bình (đầu tư theo phương thức PPP), vốn kế hoạch năm 2024 là 600 tỷ đồng; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (PPP) được bố trí 1.800 tỷ đồng; Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (đầu tư theo hình thức PPP) là 2.024 tỷ đồng…

Để giải ngân đầu tư công về đích kế hoạch, cần sự cố gắng cao độ của rất nhiều chủ thể. Đầu tháng 11/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 115/CĐ-TTg nêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (56,74%). Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương quán triệt vai trò, ý nghĩa quan trọng của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân...; vốn đầu tư công là nguồn vốn mồi dẫn dắt và thu hút, huy động các nguồn vốn khác trong xã hội cho đầu tư phát triển. Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Chuyên đề