Thị trường bất động sản ấm lên đã tăng tính hấp dẫn của các dự án BT. Ảnh: Lê Tiên |
Doanh nghiệp “chạy đua xí dự án BT”
Đầu tháng 6 vừa qua, UBND TP.HCM có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT và cho phép chỉ định nhà đầu tư. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện nay liên danh Công ty CP Bất động sản Phát Đạt - Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty Đầu tư phát triển Xây dựng 168 đã đề xuất tham gia dự án này với tổng vốn đầu tư (TVĐT) khoảng 5.254 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 6, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đã chính thức được UBND TP.HCM trao hợp đồng BT Dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với TVĐT 9.926 tỷ đồng. Công ty này cũng chính là nhà đầu tư đề xuất Dự án.
Năm 2015, Công ty CP Đức Khải cũng được giao là nhà đầu tư dự án BT do Công ty đề xuất. Đó là Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu I (khu cổ đại) thuộc Khu công viên Lịch sử - Văn hóa - Dân tộc có TVĐT hơn 936 tỷ đồng.
Không chịu nằm ngoài cuộc chơi, rất nhiều đại gia địa ốc, xây dựng khác đang chạy đua “xí” các dự án BT tại TP.HCM. Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã nhanh chân đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với TVĐT hơn 3.345 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư xây dựng Cát Linh đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng khu tái định cư tại khu vực Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn, phường 11, quận 3 theo hợp đồng BT với khái toán TVĐT hơn 1.089 tỷ đồng. Các đề xuất dự án này đều đã được UBND Thành phố phê duyệt.
Thống kê chung về tình hình thực hiện dự án PPP từ khi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến quý I/2016 của UBND TP.HCM cho thấy, 11/17 dự án đã được TP.HCM kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là theo dạng hợp đồng BT, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, chống ngập và bảo vệ môi trường. Đa số các dự án này do nhà đầu tư lập đề xuất dự án.
Trong Danh mục dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016 - 2020 của Hà Nội, có rất nhiều siêu dự án BT, như Dự án Trục dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì (bờ phải) với tổng mức đầu tư (TMĐT) dự kiến 29.000 tỷ đồng; Trục dọc sông Hồng đoạn từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì (bờ trái) TMĐT dự kiến 22.619 tỷ đồng; Dự án Cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên TMĐT dự kiến 17.000 tỷ đồng; Trục Hồ Tây - Ba Vì: Đoạn từ Vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến Quốc lộ 32 với TMĐT dự kiến 3.600 tỷ đồng;…
Dự án BT nóng trở lại, vì sao?
Sau một thời gian đóng băng, mấy năm trở lại đây, thị trường bất động sản dần ấm trở lại. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy khẳng định, thị trường bất động sản trong năm 2016 tiếp tục phát triển và thanh khoản tốt. Dự báo của nhiều chuyên gia bất động sản cho thấy xu hướng phục hồi tích cực của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, thị trường bất động sản ấm lên, giá đất trong tương lai có thể tăng lên đã tăng tính hấp dẫn của các dự án BT. Ngoài ra, nhà đầu tư “thích” dự án BT vì đây là hình thức đầu tư ít rủi ro, thực hiện dự án BT, nhà đầu tư được Nhà nước thanh toán ngay bằng quỹ đất, trong khi so sánh với dự án BOT thì nhà đầu tư phải mất một thời gian để thu phí hoàn vốn, rủi ro vì thế cũng nhiều hơn.
Một cán bộ của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM chia sẻ, mục đích mà nhà đầu tư nhắm đến khi nhảy vào các dự án BT là quỹ đất được giao để hoàn vốn. Trong rất nhiều dự án, quỹ đất này ở vào vị trí đắc địa, mà nếu đấu giá công khai, giá trị của nó sẽ rất lớn.
Cuộc đua làm dự án BT xét về bản chất là cuộc đua giành quyền khai thác các khu đất hoàn vốn. Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc..