Đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết cho các doanh nghiệp nông nghiệp vay hơn 5.620 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Tín dụng theo chuỗi
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nông nghiệp là 1 trong 5 lĩnh vực được NHNN ưu tiên đầu tư tín dụng, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND với lĩnh vực này luôn thấp hơn các lĩnh vực khác từ 1 - 1,5%/năm (hiện nay là 7%/năm). Dư nợ nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2015 đã chiếm khoảng 17,6 - 19% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.
Thời gian qua, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp (trong 2 năm) đối với các DN nông nghiệp có mục đích liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.
Với lãi suất thấp hơn lãi suất cho lĩnh vực ưu tiên từ 1 - 1,5%/năm, tính đến nay, Chương trình đã có 28 DN tại 22 tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện 31 dự án trong 8 lĩnh vực có thế mạnh của nông nghiệp, gồm: 7 DN lúa gạo, 3 DN thủy hải sản, 3 DN sản xuất rau an toàn, 7 DN trồng các nông sản khác như mía đường, mủ cao su, chè… Đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết cho vay hơn 5.620 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,4 - 6,5%/năm, trung và dài hạn khoảng 9 - 9,5%/năm.
Thông qua việc thí điểm này, hướng đầu tư tín dụng mới hiệu quả cho các mô hình chuỗi đã được mở ra. Các DN được vay vốn lãi suất thấp, đảm bảo được nguyên liệu đầu vào có chất lượng, ổn định, đáp ứng yêu cầu sản xuất, xuất khẩu, đổi mới cách sản xuất, chế biến theo hướng quy mô lớn, hiệu quả, cạnh tranh cao. Về phía các ngân hàng sẽ tập trung vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, quản lý dòng tiền tập trung và hiệu quả hơn, phát triển các dịch vụ như: LC, thanh toán, thẻ…
Lãi suất chưa hẳn là cứu cánh
Theo giới chuyên gia, trên thực tế, các DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực nông nghiệp thường khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế trong khi phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng thiếu bài bản. Ngoài ra, hệ thống sổ sách tài chính kế toán của nhiều DN còn thiếu minh bạch, tiềm lực tài chính yếu, tài sản bảo đảm ít, dễ bị rủi ro, tổn thương… Và do đó, nếu họ được các ngân hàng thương mại cho vay vốn thì thông thường phải chấp nhận các điều kiện ngặt nghèo.
Trái lại, không chỉ là vấn đề với DNNVV trong nông nghiệp, dưới góc nhìn của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, việc hỗ trợ DNNVV là cơ chế mang tính hành chính và bao cấp sẽ gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng. Nó có thể làm méo mó cung cầu và quan hệ tín dụng, không phù hợp với kinh tế thị trường, dễ nảy sinh tiêu cực, ỷ lại, cào bằng, xin cho và không có tác dụng hỗ trợ DNNVV về chiều sâu và lâu dài.
Vì vậy, Luật sư Đức cho rằng, cần giảm thiểu việc hỗ trợ DNNVV bằng lãi suất, mà nên tập trung các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh, từ đó sẽ giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp. Khi đó, ngân sách tăng thu thay vì phải chi lại hỗ trợ lãi suất cho DNNVV, ngân hàng sẽ tự nguyện, tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo ra sản phẩm, quy trình phục vụ tốt nhất, cho vay ưu đãi lãi suất cho nhiều DNNVV.