Tại sao giới kinh tế cho rằng chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu đã kết thúc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu đang chậm lại, các nhà kinh tế, nhà phân tích thị trường tài chính và hầu hết các ngân hàng trung ương đều tin rằng sẽ không cần tăng lãi suất nữa.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuần qua, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, Anh, Nhật Bản và Thụy Sỹ đều quyết định giữ nguyên lãi suất. Các ngân hàng trung ương nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ lãi suất ổn định hơn là thắt chặt chính sách khi lạm phát tiếp tục giảm ở hầu hết các quốc gia phương Tây.

"Chúng ta đã đạt được một cột mốc quan trọng trong chu kỳ chính sách tiền tệ toàn cầu - Đó là chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu đã kết thúc", Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics nhận xét.

Hãng tư vấn Capital Economics cho biết, lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020, nhiều ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất trong quý tới thay vì tăng lãi suất.

Theo Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Citi của Mỹ, nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần đến "điểm chuyển tiếp" với mức tăng trưởng và lạm phát thấp hơn. "Chúng ta đang thấy bằng chứng về một chế độ mới được đặc trưng bởi lạm phát giảm dần và tăng trưởng chậm lại", ông Nathan Sheets cho biết.

Các báo cáo về lạm phát "hạ nhiệt" ở nhiều quốc gia và những dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy lãi suất tăng mạnh và giá dầu tăng gần đây lên khoảng 95 USD/thùng đang tạo ra những dấu hiệu "ngày càng rõ ràng" về tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Các ngân hàng trung ương đang bắt đầu phản ứng với dữ liệu này. Nhiều nền kinh tế mới nổi đã bắt đầu cắt giảm lãi suất, trong khi các quyết định giữ nguyên lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế hàng đầu vẫn chưa sẵn sàng cho khả năng cắt giảm lãi suất và đang tìm cách giữ vững lập trường cho đến khi có thêm sự chắc chắn rằng giá cả đã ổn định.

Tuần trước Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất thêm lên mức cao kỷ lục, song Philip Lane - nhà kinh tế trưởng của ngân hàng trung ương này cho biết, lãi suất đang đi đúng hướng để "đánh bại" lạm phát với điều kiện được "duy trì trong thời gian đủ dài" ở mức hiện tại. Đó là tín hiệu mạnh nhất của ECB cho đến nay về việc tỷ giá khu vực đồng Euro có thể đã đạt đỉnh.

Trong khi đó, các thành viên của BOE đã bỏ phiếu giữ nguyên mức lãi suất và nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ chính sách tiền tệ ở mức "hạn chế" cho đến khi đạt được kết quả tích cực trong việc chống lại lạm phát gia tăng, thay vì thúc đẩy thắt chặt chính sách hơn nữa.

Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell tái khẳng định việc cần giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn khi tốc độ tăng trưởng đã duy trì tốt một cách đáng ngạc nhiên ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Richard Clarida - người trước đây từng giữ chức Phó Chủ tịch Fed và hiện đang làm việc tại Công ty quản lý trái phiếu Pimco - cho biết, cách tiếp cận này phản ánh "quyết tâm" của ngân hàng trung ương trong việc chống lại lạm phát đang tỏ ra dai dẳng. Ông cho biết, các động thái tiếp theo của Fed, ECB và BOE đều sẽ "phụ thuộc vào những dữ liệu kinh tế trong thời gian tới".

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế đặt câu hỏi liệu Fed có cần phải đưa ra những chính sách quyết liệt về lãi suất khi giá cả ở Mỹ ổn định hay không, đặc biệt là trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt mà nhiều người tin rằng có thể bù đắp cho nhu cầu tăng lãi suất cuối cùng trong cuối năm nay.

Trong khi đó, ông Powell từng nói rằng, quyết định giữ lãi suất ổn định của Fed không nên được hiểu là một tín hiệu cho thấy "chiến dịch thắt chặt đã đến hồi kết".

Chuyên đề