OECD: Các ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất cao cho đến khi lạm phát được kiềm chế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các ngân hàng trung ương nên giữ lãi suất ở mức cao hiện tại hoặc tăng thêm để chống lạm phát, bất chấp những dấu hiệu "ngày càng rõ ràng" về căng thẳng kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

OECD cho rằng cần phải thấy được tiến bộ lâu dài trong việc "đánh bại" lạm phát trước khi xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ.

Lời khuyên của OECD được đưa ra trước các quyết định quan trọng trong tuần này của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được các nhà kinh tế kỳ vọng ​​sẽ tạm dừng tăng lãi suất lần thứ hai trong năm nay tại cuộc họp ngày 20 và 21/9, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được dự báo sẽ tăng lãi suất lần thứ 15 liên tiếp.

OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024, do "tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt ngày càng trở nên rõ ràng với niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút, bên cạnh đó là sự phục hồi ở Trung Quốc mờ nhạt dần". OECD cũng cảnh báo về làn sóng các biện pháp bảo hộ đang gây tổn hại cho thương mại toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế trưởng của OECD Clare Lombardelli nhận xét, ngay cả ở Mỹ - nơi có bằng chứng về lạm phát "có vẻ tích cực hơn", vẫn "còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng" trong việc kiềm chế áp lực giá cả và cắt giảm lãi suất.

OECD khuyến nghị, Fed nên giữ lãi suất hiện tại ở mức 5,25 - 5,5% cho đến nửa cuối năm 2024, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và BOE cần thắt chặt chính sách hơn nữa.

Bà Lombardelli cho rằng, các ngân hàng trung ương nên đợi cho đến khi nhiều chỉ số - bao gồm lạm phát toàn phần, lạm phát lõi, áp lực tiền lương - "hạ nhiệt" rồi mới "hãm phanh" tăng lãi suất.

Mặc dù vậy, theo OECD, có nhiều dấu hiệu cho thấy lãi suất cao hơn đang hạn chế hoạt động kinh tế. Với việc hoạt động cho vay của ngân hàng đang chậm lại đáng kể ở châu Âu, "ngay cả khi lãi suất chính sách không được tăng thêm, tác động của những đợt tăng giá trong quá khứ sẽ tiếp tục tác động đến các nền kinh tế".

Nhưng cũng có những dấu hiệu, chẳng hạn như giá dầu tăng 25% kể từ tháng 5, đưa giá dầu thô Brent lên gần 95 USD/thùng, cho thấy không phải tất cả áp lực giá cả đều giảm bớt.

OECD dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, với tốc độ còn giảm xuống dưới mục tiêu chính thức của Bắc Kinh là "khoảng 5%" vào năm 2024. Tổ chức này cảnh báo rằng, tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc sẽ có tác động lan tỏa đáng kể đến phần còn lại của thế giới.

Chi tiêu nội địa giảm 3% ở Trung Quốc sẽ gây tác động trực tiếp thông qua thương mại tới các nền kinh tế châu Á và các nhà xuất khẩu hàng hóa, trong khi Mỹ và châu Âu sẽ chỉ bị ảnh hưởng nặng nề nếu giá cổ phiếu toàn cầu giảm đáng kể và các nhà đầu tư yêu cầu lãi suất cho vay cao hơn.

Theo OECD, hành động hiệu quả nhất mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế có thể thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn là dỡ bỏ một số rào cản thương mại đã được dựng lên gần đây.

Tổ chức này cho biết, sự phục hồi chậm chạp của thương mại hàng hóa toàn cầu trong thời kỳ hậu Covid-19 đã làm chậm lại sự tăng trưởng về năng suất và mức độ thịnh vượng.

Chuyên đề