Chính sách tạo kỳ tích tăng trưởng của Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực tế từ dữ liệu lịch sử cho thấy, các kỳ tích tăng trưởng của nền kinh tế đều xuất phát từ tầm nhìn và chính sách đặc thù của Chính phủ nhằm hỗ trợ phát triển. Trong giai đoạn tăng trưởng mới, thực tế này cũng không có gì thay đổi.
Trọng tâm kinh tế Ấn Độ dần chuyển sang mục tiêu mới với quyết tâm trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2047. Nguồn: Nikkei Asian Review
Trọng tâm kinh tế Ấn Độ dần chuyển sang mục tiêu mới với quyết tâm trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2047. Nguồn: Nikkei Asian Review

Hành trình trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới

Nền kinh tế Ấn Độ đang trên chuyến tàu băng băng tiến về phía trước. Giai đoạn 2023 - 2024, kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 7,8%/năm, vượt trội so với mức tăng trưởng trung bình 3,4% của các quốc gia thuộc nhóm G20 và mức tăng bình quân 4,1% của các nền kinh tế mới nổi.

Trong một năm mà các cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều khu vực trên toàn cầu với tính chất bất ổn cao, Ấn Độ đã tiến hành một cuộc bầu cử trong “êm đẹp”, dù có quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người và Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục được lựa chọn trong nhiệm kỳ thứ 3.

Trong 3 nhiệm kỳ ông Modi dẫn dắt nền kinh tế Ấn Độ đã diễn ra 3 cú sốc lớn: chiến dịch đổi tiền nhằm minh bạch hóa và kiểm soát rõ hơn việc sở hữu tiền mặt trong dân năm 2016, triển khai thuế hàng hóa và dịch vụ năm 2017 và đại dịch Covid năm 2019. Vậy nhưng tới nay, nền kinh tế Ấn Độ đang đi đúng hướng và chứng tỏ hiệu quả của các chính sách đã đề ra.

Xét về kinh tế, Ấn Độ là “động cơ” tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, đóng góp 16% vào tăng trưởng toàn cầu năm 2023. Những nỗ lực của Ấn Độ nhằm duy trì sự ổn định và ban hành các cải cách cơ cấu đã góp phần vào khả năng phục hồi kinh tế của nước này trước những thách thức toàn cầu.

Các khoản đầu tư vào việc nâng cấp kết cấu hạ tầng và kết nối, bao gồm Chương trình đường cao tốc Bharatmala, Dự án Sagarmala - một dự án lớn về phát triển cảng nhằm thúc đẩy kinh tế; Xây dựng các thành phố thông minh (Smart Cities Mission - SCM) - 1 trong 3 kế hoạch lớn nhằm phát triển các thành phố và thị trấn của Ấn Độ thành những “cỗ máy phát triển mới” đang chuyển đổi cảnh quan của đất nước và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Đáng chú ý, Ấn Độ đặt nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế kỹ thuật số từ hơn một thập kỷ trước với việc triển khai Chương trình nhận dạng quốc gia (Aadhaar), sử dụng hệ thống nhận dạng sinh trắc học. Paul Romer, học giả người Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế năm 2018, đánh giá hệ thống Aadhaar của Ấn Độ là một trong những đổi mới công nghệ đáng chú ý của thời đại.

Ngày nay, với ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, đất nước này trở thành trung tâm quan trọng về đổi mới sáng tạo và dịch vụ công nghệ, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đưa Ấn Độ trở thành nhân tố chủ chốt trong việc định hình tương lai của kinh tế số.

Đi sâu vào các chính sách đã được Ấn Độ thực hiện để thay đổi bộ mặt nền kinh tế và xây dựng động lực tăng trưởng, có thể thấy những chính sách đặc thù được áp dụng đã tạo ra khác biệt.

Theo truyền thống, nhiều quốc gia Đông Á và Đông Nam Á có sự dịch chuyển lao động từ ngành nông nghiệp sang lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, Ấn Độ đã phá vỡ cách tiếp cận này và đặt cược vào dịch vụ, chẳng hạn dịch vụ công nghệ thông tin và chức năng văn phòng cho các công ty có trụ sở tại Bắc Mỹ và châu Âu. Kết quả, lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 10% GDP của Ấn Độ và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước này gần gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong giai đoạn 2005 - 2023.

Những chính sách quyết liệt mà Chính phủ Ấn Độ ban hành nhằm theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin bao gồm: cải thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản công nghệ thông tin, bắt buộc các doanh nghiệp trong nước mua sản phẩm công nghệ thông tin do các công ty Ấn Độ sản xuất, đề xuất nhiều dự án kích cầu, đồng thời bãi bỏ các giấy phép liên quan đến lĩnh vực phần mềm, cho phép nhập khẩu miễn thuế các sản phẩm phục vụ cho ngành công nghệ thông tin. Tiếp đó, Chính phủ Ấn Độ cung cấp 3/5 quỹ nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp, yêu cầu một số công ty lớn phải trích ít nhất 2% doanh thu để đầu tư cho công nghệ, nếu không sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Từ năm 1985, Chính phủ Ấn Độ đã quy định các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất máy tính phải có cam kết đóng góp 2 - 5% cho quỹ R&D…

Mặt khác, Chính phủ Ấn Độ tiến hành mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là với lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng các khu công nghệ cao khắp cả nước với nhiều chính sách ưu đãi về thuế (miễn thuế nhập khẩu, thuế doanh thu trong 5 năm đầu), cải cách thủ tục hành chính, cung cấp hạ tầng hiện đại đạt tiêu chuẩn với mạng lưới cáp quang vệ tinh và thông tin di động trên toàn quốc, bảo đảm sự kết nối giữa hạ tầng địa phương với hạ tầng quốc gia và hạ tầng thông tin toàn cầu. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ còn tích cực tìm thị trường mới cho sản phẩm phần mềm cũng như kêu gọi đầu tư, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo… thông qua các cuộc đàm phán song phương và đa phương với Mỹ, EU.

Ấn Độ cũng khẳng định vị thế trong các dịch vụ xuất khẩu cao cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, bao gồm dịch vụ tài chính, pháp lý, nhân sự… cho các trung tâm công nghệ cao lĩnh vực mạng, trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm đổi mới sáng tạo. Hiện đã có hơn 1,3 triệu người lao động Ấn Độ tham gia các lĩnh vực dịch vụ cao cấp này và dự báo sẽ tăng lên 4,5 triệu việc làm vào năm 2030. Nếu tiếp tục duy trì mức độ quản lý tốt, các dịch vụ này có thể trở thành một trong những lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm thêm cứ điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc, Ấn Độ ngay lập tức có sự thay đổi để “đón sóng”. Trọng tâm kinh tế của Ấn Độ dần chuyển sang mục tiêu mới khi Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố thúc đẩy sản xuất để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2047.

Theo đó, nhiều hạn chế mang tính lịch sử về mở rộng quy mô sản xuất đã được nới lỏng: một số quy định đã được đơn giản hóa, đầu tư vào kết cấu hạ tầng tăng mạnh, nhiều cụm sản xuất đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và doanh nghiệp, Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) cung cấp trợ cấp cho 14 lĩnh vực với khoản đầu tư 1,97 nghìn tỷ rupee (24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ xây dựng “những nhà vô địch sản xuất quốc gia”.

Một con số mới công bố gây ấn tượng là việc 14% iPhone được sản xuất tại Ấn Độ, tăng từ 10% năm 2023. Quốc gia này trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Hãng Apple có kế hoạch tăng con số này lên 24% - 25% trong giai đoạn 2027 - 2028.

Ông Rob Subbaraman, Kinh tế trưởng của Nomura và là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á (trừ Nhật Bản) cho biết, nền kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng trung bình 7% trong 5 năm tới. Con số này cao hơn rất nhiều so với đánh giá triển vọng tăng trưởng của Nomura đối với Trung Quốc (3,9%), Singapore (2,5%) và Hàn Quốc (1,8%) trong cùng thời kỳ.

“Tính liên tục của chính sách sẽ rất quan trọng nếu muốn thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới”, Rob Subbaraman nhấn mạnh khi đánh giá về tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ.

Chính sách dẫn bước phát triển

Năm 2024, giải Nobel kinh tế đã được trao cho ba nhà kinh tế học Mỹ gồm Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson vì nghiên cứu tiên phong của họ về cách các thể chế định hình nên sự thịnh vượng của các quốc gia.

Trong nhiều nghiên cứu của các nhà kinh tế học này, nổi bật là cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói” (Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty). Daron Acemoglu và James Robinson lập luận rằng, một số quốc gia giàu có và thịnh vượng hơn những quốc gia khác là do các thể chế chính trị và kinh tế chứ không phải do khí hậu, địa lý hoặc văn hóa của quốc gia đó.

Nói cách khác, chính thể chế - bao gồm cả thể chế chính trị và kinh tế - sẽ định hình nên số phận của quốc gia. Các thể chế tốt (được gọi là thể chế "bao trùm" hay "dung hợp") sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển và thịnh vượng, trong khi các thể chế xấu (thể chế "khai thác" hay "tước đoạt") sẽ khiến các quốc gia trở nên kém hấp dẫn, bất ổn, ngày càng nghèo đói.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, thế giới đang bước vào chặng đường tăng trưởng mới được thúc đẩy bởi đầu tư và đổi mới công nghệ xanh, với sự hỗ trợ của AI. Đây là hành trình chuyển đổi toàn diện so với những con đường đã đi qua trong quá khứ, bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Trong bối cảnh này, các nền kinh tế lớn đều đã nhập cuộc để bảo đảm tăng trưởng kinh tế cũng như sức cạnh tranh, vị thế của chính mình trong tương lai tăng trưởng mới. Cụ thể, Trung Quốc công bố kế hoạch 5 năm lần thứ 14 với việc quy hoạch Hệ thống năng lượng hiện đại; Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal - EGD) bao gồm một loạt chính sách có tầm nhìn tới năm 2050 có thể giúp EU trở thành nền kinh tế xanh và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên; Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) giúp tái thiết nền tảng sản xuất của Mỹ, giảm tình trạng gián đoạn nguồn cung và bảo đảm an ninh kinh tế… Tất cả các chương trình này đều có điểm chung là kết hợp các ưu đãi và tài chính cho công nghệ xanh, hoạt động đầu tư cho tăng trưởng xanh với sự hỗ trợ về mặt pháp lý, quy định và chính sách.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, câu chuyện tăng trưởng bền vững mới được thúc đẩy bởi công nghệ sẽ trở thành cơ hội đầu tư cho sự phát triển lớn nhất kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Bởi vậy, các nền kinh tế đều cần những chính sách phù hợp để tham gia chặng đường mới và cuộc đua đã bắt đầu.

Chuyên đề