Năm 2015, mặt bằng lãi suất thị trường giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm Ảnh: Nhã Chi |
Lợi nhuận cải thiện
Nguồn tin từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (đơn vị thực hiện IPO vào tháng 11/2014) cho biết, doanh thu 9 tháng năm 2015 tăng 1.080 tỷ đồng so với kế hoạch. Tổng doanh thu hợp nhất đạt gần 52.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 1.300 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đây là kết quả khả quan, vì trong cả năm ngoái, lợi nhuận trước thuế mà DN này đạt được chỉ khoảng 171 tỷ đồng, trong năm 2013 chỉ đạt 157 tỷ đồng. Hoạt động theo mô hình cổ phần đang tạo ra những hiệu ứng tích cực cho Vietnam Airlines dù mức độ đại chúng vẫn rất hạn chế với 3,5% vốn điều lệ do nhà đầu tư ngoài Nhà nước nắm giữ.
Theo đánh giá của Vietnam Airlines, một trong những yếu tố cải thiện hiệu quả kinh doanh là nâng cao năng suất lao động với mức tăng 5,2%. Đây là kết quả của việc triệt để áp dụng các biện pháp không tăng định biên trong điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và doanh thu tăng. Nhờ đó, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân qua các năm luôn được giữ ở mức xấp xỉ 6%/năm. Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu với mục tiêu đến 1/1/2016, Vietnam Airlines sẽ có quy mô lao động giảm xuống còn khoảng 6.500 người. Ngoài cải thiện kết quả kinh doanh, DN này đang đứng trước cơ hội nâng cao năng lực tài chính. Vietnam Airlines đang lên kế hoạch chào bán 20% cổ phần (CP) cho cổ đông chiến lược. Giả định giá bán CP bằng giá đấu bình quân trong đợt IPO cuối năm ngoái (22.300 đồng/CP), DN này sẽ thu về hơn 6.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể nguồn vốn của Công ty.
Một “ông lớn” khác thực hiện IPO vào tháng 7/2014 là Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). 37,9 triệu CP tương đương 31,1% vốn điều lệ, mức giá khởi điểm là 11.300 đồng/CP đã được bán hết. Theo báo cáo tài chính Quý III/2015 vừa được công bố, DN này đạt doanh thu hơn 898 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt 801 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt 18,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (Quý III/2014 đạt 49,9 tỷ đồng), lũy kế đạt 78,8 tỷ đồng.
Sở dĩ lợi nhuận giảm mạnh là do doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 31 tỷ đồng (cổ tức nhận từ các công ty con sụt giảm) và chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN đều tăng. Hiện Vocarimex đang là công ty mẹ sở hữu 51% CP của Dầu thực vật Tường An và có CP đáng kể tại các DN dầu ăn lớn khác như Cái Lân, Golden Hope Nhà Bè và Tân Bình (Nakydaco). Mặc dù sụt giảm lợi nhuận trong Quý III, nhưng mức lợi nhuận lũy kế đạt được 9 tháng đầu năm vẫn khá ấn tượng so với kết quả kinh doanh èo uột trong những năm trước đây khi chưa thực hiện cổ phần hóa.
Tháng 9/2014, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức đấu giá CP phát hành ra công chúng lần đầu. Trong số 122 triệu CP chào bán đã có 110,6 triệu đơn vị được mua, 55 triệu cổ phiếu Vinatex đã thuộc về tay các nhà đầu tư ngoại. Theo số liệu mới được công bố, Quý III/2015, Vinatex đạt 91 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ 2014. 9 tháng đầu năm, Vinatex lãi sau thuế 320 tỷ đồng, tăng gần 7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014 (293,4 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh của Vinatex không có nhiều khác biệt so với trước đây. Tuy nhiên, việc DN này đang đẩy mạnh tái cấu trúc và đầu tư dự án mới cho thấy sự chuẩn bị cho dài hạn. Cụ thể, Vinatex đã thoái 100% vốn CP tại Vinatex Mart cho Vincom vào tháng 4 năm nay. Về đầu tư, trong năm 2015, DN đã hoàn thành và đang triển khai các dự án: Nhà máy Sợi Phú Hưng giai đoạn 2, sản lượng 4.770 tấn/năm, tổng mức đầu tư là 258,7 tỷ đồng; Nhà máy May Kiên Giang, sản lượng 3,6 triệu sản phẩm, tổng mức đầu tư là 105,8 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất vải Yarndyed Long An, quy mô 10 triệu mét/năm, tổng mức đầu tư là 444,2 tỷ đồng. Dự án Sợi: Nhà máy Sợi Phú Cường, Nhà máy Sợi Nam Định với quy mô 2 - 3 vạn cọc sợi, sản lượng 4.770 - 5.200 tấn/năm (Ne30), tổng mức đầu tư 300 - 465 tỷ đồng; Dự án Khu liên hiệp Dệt May Quế Sơn, tổng mức đầu tư là 1.261 tỷ đồng.
Nhưng chưa có nhiều chuyển biến về quản trị
Mặc dù kết quả kinh doanh tích cực nhưng nhiều ông lớn thực hiện IPO đã hơn một năm đến nay vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung. Điều này khiến nhà đầu tư mất đi cơ hội giao dịch CP và làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của chính DN. Mặt khác, dù Bộ Tài chính quy định việc công bố thông tin đối với công ty đại chúng phải tuân thủ như DN niêm yết, nhưng tình trạng chậm trễ công bố thông tin so với thời hạn quy định vẫn diễn ra phổ biến.
Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố Thông tư số 180/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo đó, các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 nếu không niêm yết (tại HOSE và HNX) sẽ phải đăng ký giao dịch tại UPCoM trong vòng 1 năm. Công ty đại chúng hình thành sau ngày 1/1/2016 sẽ phải giao dịch tại UPCoM trong vòng 30 ngày sau khi IPO hoặc hoàn tất đăng ký công ty đại chúng. Đây được đánh giá là động thái tích cực thúc đẩy các DN ngoài sàn, trong đó có các DNNN thực hiện IPO, phải vào giao dịch tập trung, tạo điều kiện cho nhà đầu tư giao dịch CP và bám sát hoạt động DN thông qua việc tuân thủ các quy định về công bố thông tin.
Trong quá khứ từng chứng kiến nhiều DNNN lột xác sau khi cổ phẩn hóa như: Ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Traphaco, Dược Hậu Giang, Cao su Đà Nẵng… Điển hình nhất là trường hợp Tổng công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk. Thực hiện cổ phần hóa từ năm 2003 đến nay, DN này đã gặt hái những thành công mang tính bước ngoặt. Trong 5 năm gần đây, Vinamilk đạt doanh số trung bình tăng trên 20%/năm; lợi nhuận tăng 15%/năm; nộp ngân sách nhà nước trung bình trên 3.000 tỷ đồng/năm. Để cải thiện kết quả kinh doanh, tăng trưởng mạnh về vốn điều lệ, doanh số, các DN này đã đổi mới mạnh mẽ hoạt động quản trị DN, hướng đến các nhà đầu tư như một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển.