Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành và địa phương, tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2020 là rất lớn, khoảng 39,5 tỷ USD. |
Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng ngưỡng an toàn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020, đảm bảo trong trần nợ công.
Tại văn bản này, Bộ cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương đang sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ triển khai đánh giá kết quả thực hiện giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ giai đoạn 2011-2015.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo cụ thể giá trị giải ngân các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi theo từng năm trong giai đoạn 2011 - 2015 theo từng chương trình/dự án gắn với các hiệp định vay.
Đồng thời, đánh giá các kết quả đạt được từ việc đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trong đó nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và các tồn tại, hạn chế trong huy động, sử dụng và trả nợ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Phân tích các nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cũng tại văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020 đảm bảo trong trần nợ công.
Kế hoạch được lập còn căn cứ vào kế hoạch giải ngân theo từng chương trình/dự án gắn với các hiệp định vay và tiến độ thực hiện các chương trình/dự án, chi tiết theo từng năm trong giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, kế hoạch giải ngân phải làm rõ danh mục các chương trình, dự án được đưa vào cân đối ngân sách nhà nước để sử dụng cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi sự nghiệp, chương trình, dự án phải vay lại từ nguồn vốn vay của Chính phủ.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành trung ương và các địa phương chỉ đạo các chủ chương trình, dự án khẩn trương rà soát, đánh giá và lập kế hoạch giải ngân sát với tình hình thực tế, gắn với các Hiệp định vay theo từng nhà tài trợ và tổng hợp chung theo từng bộ ngành, địa phương.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lưu ý các bộ, ngành và địa phương phản ánh kịp thời và đầy đủ tình hình thông tin, số liệu báo cáo để làm căn cứ xác định ngưỡng an toàn trong vốn vay ODA, vay ưu đãi, không ảnh hưởng đến trần nợ công để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 - 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD. Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa giải ngân của các chương trình, dự án đã ký kết chuyển tiếp từ thời kỳ 2011 - 2015 sang thời kỳ 2016 - 2020 hiện còn khá lớn, khoảng gần 22 tỷ USD.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành và địa phương, tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2020 là rất lớn, khoảng 39,5 tỷ USD.
Trong khi đó, về nợ công, quy mô nợ công hiện nay đang áp sát ngưỡng kiểm soát do Quốc hội đề ra và đặt ra thách thức trong việc đảm bảo an toàn nợ công nói riêng và nền kinh tế nói chung.