Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Việc công khai hợp đồng dự án chính là cách đưa các dự án BOT, BT ra ánh sáng, tránh những góc khuất sinh ra từ “điều khoản mật”.
Thực tế đáng buồn là người dân - người trả phí cho các dự án BOT, được đánh giá là bên thứ ba không ký vào hợp đồng nhưng quyết định đến thành bại của dự án, lại thường bị đẩy vào thế đã rồi. Khi trạm thu phí mọc lên và hoạt động người dân mới biết sẽ bị thu phí, mức thu có hợp lý hay không cũng khó có cơ sở để đánh giá vì thiếu thông tin.
Đối với dự án BT, thông tin hợp đồng dự án lại càng khép kín giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Người dân thật khó biết công trình nào mình đang sử dụng là thực hiện theo hình thức BT, giá trị thế nào, đổi lại bằng bao nhiêu đất, để có đủ dữ liệu giám sát được sự đánh đổi này có phải là ngang giá, tài sản công có được sử dụng hiệu quả hay không.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên từng bất bình đặt câu hỏi: “Hợp đồng BOT một bên là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký, một bên là doanh nghiệp ký, bên ngoài không đóng dấu mật, tại sao lại có điều khoản bảo mật?”. Chính vì thiếu thông tin nên dù ông Liên là 1 đại biểu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội cũng không có cơ sở để phản biện.
Thực tế phóng viên Báo Đấu thầu cũng đã rất khó khăn để tiếp cận được những bản hợp đồng dự án BOT, BT.
Câu chuyện này sẽ rất khác khi Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (NĐ 63/2018) về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 19/6/2018.
Theo Điều 41 NĐ 63/2018 về công khai thông tin hợp đồng dự án, đối với dự án BOT, BT nói riêng, dự án PPP nói chung, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ký kết hợp đồng dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm công khai thông tin hợp đồng dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nội dung thông tin được công khai gồm tên dự án; số hiệu hợp đồng, thời điểm ký kết hợp đồng; tên, địa chỉ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tên, địa chỉ của nhà đầu tư; tên, địa chỉ của doanh nghiệp dự án được thành lập; địa điểm thực hiện dự án, diện tích đất sử dụng...
Đặc biệt, phải công khai các thông số cơ bản để giám sát chất lượng công trình, dịch vụ mà nhà đầu tư cung cấp trong giai đoạn vận hành; tổng vốn đầu tư; vốn nhà đầu tư góp và huy động; phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP (nếu có); loại hợp đồng, thời hạn hợp đồng, thời điểm dự kiến chuyển giao công trình dự án (nếu có); giá, phí hàng hóa, dịch vụ; hình thức và địa điểm thu giá, phí (nếu có).
Ngoài ra, ở những bước đầu tiên trước khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, NĐ 63/2018 cũng quy định rõ hơn về tham vấn cộng đồng. Cụ thể, yêu cầu bộ, ngành và UBND cấp tỉnh phải đánh giá tác động của hình thức PPP đối với cộng đồng, dân cư thuộc phạm vi dự án khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để quyết định chủ trương đầu tư (Điều 18) và tham vấn ý kiến các bên về việc đầu tư thực hiện dự án khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi (Điều 29). Với quy định này, vai trò của người sử dụng dịch vụ và các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án sẽ được quan tâm đúng mức, được tiếp cận thông tin sớm, tránh bị đẩy vào sự đã rồi.
Sự công khai, minh bạch chính là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo thành công của dự án PPP. Những quy định mới tại NĐ 63/2018 kỳ vọng có thể tạo ra cơ chế giám sát hiệu quả, hạn chế tiêu cực, dần dần tạo ra một thị trường PPP minh bạch, lành mạnh.