Nhiều ngân hàng sắp cán đích lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 3 quý đầu năm rất cao so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sang quý IV, lợi nhuận của ngành ngân hàng được dự báo không tăng cao như những tháng đầu năm, chủ yếu do chi phí đầu vào tăng và hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn hẹp.
Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tường Lâm

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận trước thuế (LNTT) lũy kế 9 tháng đạt 4.824 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm. Theo ước tính của nhóm nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research), dự tính LNTT của ngân hàng này sẽ đạt 6 nghìn tỷ đồng năm 2022 và 6,7 nghìn tỷ đồng năm 2023, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 18,3% và 12%. Xu hướng tăng trưởng lợi nhuận được dự báo giảm do một số nguyên nhân: lãi suất huy động tăng khiến chi phí huy động vốn cao hơn và biên lãi ròng (NIM) giảm; tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên mức 1,83% trong năm 2023, từ mức dự tính 1,75% năm 2022.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) có LNTT 9 tháng đầu năm đạt 7.814 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý III, LNTT của ngân hàng này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.791 tỷ đồng. SSI ước tính LNTT của VIB năm 2022 đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, NIM năm 2023 chịu nhiều áp lực do xu hướng tăng lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động. Hơn nữa, gánh nặng từ nợ xấu cao tác động đến chi phí tín dụng sẽ trở nên rõ ràng hơn trong quý IV và năm 2023, khiến LNTT năm 2023 dự kiến đạt 11,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2022.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) công bố LNTT quý III/2022 đạt 2.712 tỷ đồng, tăng 43,4% so với quý III/2021. Lũy kế 9 tháng, LNTT đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% và hoàn thành 82% kế hoạch năm. SSI ước tính LNTT của ngân hàng này năm 2022 và năm 2023 lần lượt đạt 10,2 nghìn tỷ và 12,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 27% và 23%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến LNTT năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021. Bên cạnh đó, vẫn có 6,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) có LNTT 9 tháng đạt hơn 18,1 nghìn tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 90% kế hoạch năm. Hoạt động tín dụng của MBB mang về gần 26.400 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng giảm gần 26% góp phần giúp lợi nhuận của MBB tăng cao. MBB có thể đạt tăng trưởng LNTT 18% năm 2023 nhờ kỳ vọng được cấp thêm hạn mức tín dụng cao hơn trong năm sau.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) báo lãi trước thuế quý III hơn 7.566 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động trên thị trường 1 giảm, nhưng VCB có thể hưởng lợi từ cho vay trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất tăng nhanh với ước tính LNTT năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 34 nghìn tỷ đồng và 41 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 23% và 21%.

Một số ngân hàng khác cũng có LNTT 9 tháng đầu năm rất khả quan như: Techcombank (20.800 tỷ đồng), VPBank (19.837 tỷ đồng), BIDV (17.677 tỷ đồng), VietinBank (15.764 tỷ đồng) và ACB (13.503 tỷ đồng).

Theo ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng mạnh chủ yếu nhờ tăng trưởng thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Bên cạnh đó, một số ngân hàng có khoản đóng góp tích cực là thu nhập từ phí, giảm trích lập dự phòng rủi ro nhờ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao.

Dự báo về quý IV/2022, ông Tánh cho rằng, NIM sẽ có xu hướng giảm hoặc đi ngang chủ yếu do chi phí vốn tăng cao. Nguyên nhân chính là lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng tăng cao nhưng lãi suất cho vay khó có thể tăng tương ứng trước yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về việc giảm đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ mức 37% xuống 34% từ đầu tháng 10/2022 cũng ảnh hưởng bất lợi tới NIM của ngân hàng. Mặt khác, hạn mức tín dụng còn lại trong quý IV khá hạn hẹp sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao của ngành ngân hàng.

“Những trở ngại đối với hoạt động của ngành ngân hàng trong quý IV năm nay có thể không còn quá lớn trong năm sau. Theo dự báo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm đà tăng lãi suất, nhờ đó giảm áp lực với mặt bằng lãi suất của Việt Nam. Kinh tế vĩ mô dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong năm sau, giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và có lợi cho hoạt động ngân hàng”, ông Tánh nhìn nhận.

Chuyên đề